KINH TẾ

Thiếu bảo hiểm trọn gói cho doanh nghiệp phòng dịch

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Trong dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó về sản xuất, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản. Đến lúc này, nhu cầu về một gói bảo hiểm trọn gói chuẩn bị cho những rủi ro bất khả kháng như dịch Covid-19 đối với DN mới bộc lộ rõ ràng.
Sản xuất khẩu trang tại Công ty Dệt kim Đông Xuân.

Sản xuất khẩu trang tại Công ty Dệt kim Đông Xuân.

Gì cũng có thành chẳng có gì

Khi KH&ĐS khảo sát về gói bảo hiểm “phòng dịch” cho DN, tất cả các hãng BH lớn nhỏ và BHXH tại Việt Nam đều trả lời “không có”, từ chối trả lời, hoặc chỉ đưa ra gói BH dành cho con người (nhân công).

Ông Bạch Xuân Trung, Giám đốc chi nhánh Hồ Chí Minh của Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng cho rằng, những rủi ro thiệt hại về vật chất, nhà xưởng ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu... ở các công ty Việt hiện nay thuộc về lĩnh vực phi nhân thọ. Nhưng lĩnh vực này cũng hiếm hãng có gói dành cho rủi ro thiên tai. Nếu có cũng thường dành cho các công ty nông nghiệp ứng phó với dịch bệnh mùa màng.

Khi dịch bệnh xảy ra với con người, điều mà các hãng quan tâm tới là BH rủi ro cho công nhân chứ chưa chú trọng đến thiệt hại sản xuất của DN. Có lẽ vì thiệt hại tài chính, gián đoạn sản xuất do dịch bệnh trên toàn cầu rất hiếm xảy ra và khó đo lường thiệt hại.

Bà Lê Bích Liên, Hãng bảo hiểm Manulife cho biết, hiện tại Việt Nam chưa có một gói BH nào trọn gói về “dịch bệnh” hay “phòng dịch” cho DN ứng phó với một đại dịch toàn cầu như Covid-19. Các yếu tố cấu thành nên DN bao gồm: nhân công, tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc thiết bị, vốn cố định, vốn lưu động...), tài sản hữu hình (thương hiệu, uy tín...).

Vì vậy, các DN muốn tránh rủi ro khi đại dịch xảy ra thì tùy điều kiện mỗi DN sẽ đề phòng rủi ro bằng một hay nhiều gói BH ứng với các yếu tố cấu thành. Có DN chú trọng con người thì mua gói nhân thọ hoặc gói “corona” khẩn cấp cho nhân viên. DN chú trọng đến nguồn vốn tài chính thì mua gói BH gián đoạn kinh doanh.

Bà Vũ Hồng Minh (Trưởng phòng Maketing, Tổng Công ty CP bảo hiểm Quân đội - MIC) cho rằng, ứng phó với rủi ro dịch bệnh Covid-19, DN nên mua gói CORONA GUARD cho người lao động. Đối với gián đoạn sản xuất kinh doanh, DN có thể mua gói BH tín dụng thương mại để bảo vệ DN trong các giao dịch quốc tế cũng như nội địa. Gói BH thương mại tín dụng giúp bồi thường cho những rủi ro không thu hồi được nợ/ khách hàng không có khả năng thanh toán, cải thiện khả năng quản lý tín dụng nội bộ, giảm dự phòng nợ xấu...

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều DN sẽ tổn thất nặng vì không nhận được tiền BH do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. DN Việt phần lớn là nhỏ và vừa, vốn mỏng, khi đại dịch xảy ra, thiếu nhân công, thiếu nguyên liệu, hợp đồng sản xuất bị hủy bỏ... sẽ nhanh chóng phá sản. Rất khó để đưa ra con số cụ thể nhưng mức độ thiệt hại là rất nặng.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc một công ty bao bì tại Hải Phòng cho biết, do dịch bệnh công ty phải cho nhân công nghỉ việc nhưng vẫn hỗ trợ lương cơ bản. Không thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nên nhân công có đi làm cũng không thể sản xuất. Đơn hàng với đối tác nước ngoài bị hủy bỏ phải chịu phạt. Công ty đã làm đơn xin giãn nợ, giảm lãi vay nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, nếu tiếp tục kéo dài vài tháng nữa sẽ có nguy cơ phá sản.

Ông Tiến cũng cho hay, không phải không tính đến phương án mua BH. DN ông cũng như đa số các DN nhỏ và vừa ở VN vốn mỏng, hàng tháng chịu chi phí BHXH cho công nhân đã là quá tải. Nếu mua thêm các gói BH tín dụng thương mại, BH gián đoạn kinh doanh, BH rủi ro thiên tai, BH cháy nổ nhà xưởng... thì DN mất hết lãi, đi làm chỉ “nuôi các hãng BH”, nên đành chấp nhận chịu rủi ro.

Như vậy, từ ý kiến của nhà bán BH và DN mua BH đã cho thấy, thị trường không thiếu sản phẩm BH cho DN. Nhưng vấn đề lại chính là ở chỗ, các sản phẩm BH bị chia nhỏ thành nhiều loại khiến chi phí BH của DN tăng quá cao. Trong khi nhu cầu thực sự của DN lại luôn là một sản phẩm BH trọn gói cho tất cả các rủi ro bất khả kháng như hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh... Đó có thể coi là lỗ hổng trong cơ chế bảo vệ DN hiện nay.  

Khi rủi ro lại chính là người bán BH

Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra một báo cáo nhanh, tổng hợp số liệu báo cáo từ 22/63 tỉnh thành trên cả nước cho biết: hơn 800 doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động, giảm quy mô hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, và hơn 8.700 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ngành nông, lâm và thủy sản chiếm hơn 30%. Hơn 300 doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì Covid-19.

Khoảng 20% doanh nghiệp thông tin "không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh". Thực tế này cho thấy sự bị động của các doanh nghiệp, nhưng cũng phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thể xảy ra sau dịch.

Các giải pháp doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ từ Chính phủ.

Các giải pháp doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ từ Chính phủ.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, chỉ một số hãng lớn toàn cầu mua gói BH bao gồm cả dịch bệnh. Vì vậy, sau khi dịch bệnh xảy ra, không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại hối tiếc vì đã không mua BH. 

Theo bà Lê Bích Liên, Hãng bảo hiểm Manulife, DN muốn phát triển bền vững phải chủ động kế hoạch tài chính, an sinh xã hội lâu dài. DN càng nhỏ càng dễ phá sản nên càng cần đề phòng rủi ro. Bên cạnh chính sách phúc lợi cho người lao động gắn bó, DN cần gây dựng các quỹ dự phòng tài chính rủi ro thiên tai thông qua các gói bảo hiểm nhà xưởng, máy móc, tài sản, nguồn vốn, thương hiệu... Nếu dịch bệnh xảy ra, các công ty bảo hiểm sẽ chăm sóc người lao động, đền bù thiệt hại thì DN sẽ không phá sản. Vấn đề không phải là mức phí mà là “tầm nhìn” của chủ DN.

Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương cảnh báo, rất nhiều công ty mua BH nhưng lại không nhận được đền bù khi dịch Covid-19 xảy ra. Đa số "các chính sách bảo hiểm tiêu chuẩn" thường loại trừ rủi ro bùng nổ dịch bệnh để giảm chi phí cho các công ty BH. Vì vậy, DN khi mua BH cũng cần phải nắm rõ pháp luật, chọn mua các gói có điều khoản rõ ràng, tránh tình trạng các công ty BH lách luật, né đền bù.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP