Công nghệ mới

Thiết bị định vị, theo dõi bị lạm dụng sai mục đích?

  • Tác giả : Tuấn Huy
Thiết bị theo dõi, định vị được sử dụng vào mục đích bảo vệ, truy tìm tài sản khi bị mất cắp, nhưng hiện bị lạm dụng cho mục đích giám sát người yêu, vợ chồng…

Thiết bị theo dõi hay còn gọi là thiết bị định vị có khả năng xác định vị trí của một vật nào đó hoặc ai đó. Một số loại còn có khả năng ghi âm, ghi hình giám sát các hành động của đối tượng cần theo dõi; sau đó, truyền tín hiệu về một trung tâm xử lý.

Nỗi lo bị theo dõi

Hà Vũ Duy (Hà Nội) cho biết, anh từng bị người yêu dùng thiết bị định vị để theo dõi. Dù nhiều lúc không ở cạnh nhau, bạn gái vẫn biết rõ địa điểm Duy đang ở. Sau một thời gian nghi ngờ, Duy đã thử tắt hết các ứng dụng trên điện thoại, tắt GPS nhưng vẫn bị phát hiện. Nhiều lần cãi vã, hỏi bạn gái, Duy mới biết rằng có một thiết bị nhỏ là AirTag được để gọn trong cốp xe máy.

“Tôi bất ngờ khi bị theo dõi, thiết bị nhỏ gọn của Apple được giấu trong cốp xe mà không hề biết”, Duy nói.

Tương tự, chị Vũ Phương Nhung (Hải Phòng) suýt phải trả giá bằng cuộc hôn nhân của mình khi gắn thiết bị theo dõi bạn đời. Phát hiện điện thoại ông xã cài mật khẩu, chị sinh nghi nên đặt mua thiết bị định vị lén gắn vào xe chồng. Việc làm của chị đã bị phát hiện và chồng đòi ly dị vì cảm thấy bị xúc phạm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng thiết bị theo dõi đang gây nhiều tranh cãi. Nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà thiết bị này đem lại trong một số trường hợp như bảo vệ tài sản, giám sát con cái, người thân… Trường hợp bạn Phạm Vũ Hoàng (Hà Nội) là điển hình, đã tìm lại được chiếc xe máy SH chỉ sau khoảng 20 phút bị trộm hồi đầu tháng 2 nhờ lắp thiết bị định vị không dây kết nối phần mềm với điện thoại di động.

Bán tràn lan trên mạng

Nhập từ khóa "thiết bị định vị" trên các nền tảng thương mại điện tử, người dùng được gợi ý hàng trăm cửa hàng, bán sản phẩm giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Một số quảng cáo cho rằng thiết bị "có thể theo dõi người ngoại tình, định vị chính xác đến từng số nhà, con ngõ".

Khi phóng viên liên hệ shop chuyên bán thiết bị định vị trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhân viên bán hàng cho biết: “Bên em có các loại nhỏ gọn như hộp diêm, dễ dàng bỏ vào ba lô, túi xách hoặc xe hơi, xe máy, trên người hoặc trên đồ vật… Giá từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng tuỳ loại”.

Theo nhân viên này, các sản phẩm rao bán bao gồm: Bộ định vị GPS từ tính GF-07 giá 200.000 đồng, thiết bị định vị xe máy Lika L5 là 455.000 đồng, thiết bị định vị ô tô L8a khoảng 900.000 đồng… Ngoài ra, một số thiết bị cao cấp hơn như AirTag, Tile còn có khả năng chống nước, thời lượng pin đến 5 ngày và có giá bán từ 800.000 - 1.200.000 đồng/bộ .

Thiết bị theo dõi vị trí được bán tràn lan trên một trang thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình.

Thiết bị theo dõi vị trí được bán tràn lan trên một trang thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình.

Cảnh sát ở nhiều nơi trên thế giới đã phát đi cảnh báo về tình trạng tội phạm lạm dụng thiết bị như AirTag để lần theo nạn nhân. Theo giới chuyên gia, việc thiết bị này được bán tràn lan trên mạng là điều đáng báo động. Apple, Google cũng đã bắt tay tìm kiếm giải pháp ngăn các thiết bị định vị cá nhân như AirTag hay Tile trở thành công cụ theo dõi trái phép.

Theo dõi trái phép có thể bị xử lý hình sự

Nhìn từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Đức Tiến - Giám đốc kỹ thuật camera, thiết bị định vị tại Yên Bái - chia sẻ về nguy cơ rò rỉ thông tin khi lắp đặt thiết bị định vị, giám sát.

“Nạn nhân không chỉ bị theo dõi bởi người sử dụng thiết bị mà còn cả nhà sản xuất thiết bị. Thông thường, các nhà sản xuất sẽ lưu trữ lịch trình giám sát, từ đó họ biết được thói quen của nạn nhân và bán lại dữ liệu cho bên thứ ba. Điều này đồng nghĩa việc người dùng sẽ bị theo dõi bởi nhiều bên, mất quyền riêng tư và tính an toàn”, ông Tiến nói..

Ông Nguyễn Thế Chiêu, chuyên gia công nghệ, CEO Webbi.asia, cho biết, hiện nay, việc sử dụng các thiết bị định vị, theo dõi trong cuộc sống hàng ngày khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh và cả người tiêu dùng đang lạm dụng những công nghệ này để thực hiện hành vi trái pháp luật. Mỗi người cần nâng cao hiểu biết và khả năng phòng vệ bằng cách thường xuyên kiểm tra thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính, phương tiện di chuyển để hạn chế tối thiểu rủi ro có thể gặp phải.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Sen - Công ty Luật TNHH Thành Đô Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - cho rằng, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, cũng như quy định tại Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định như sau: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”.

Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rất rõ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình. Căn cứ các quy định trên, việc cài đặt những thiết bị định vị, theo dõi người khác mà không được đồng ý, ảnh hưởng riêng tư cá nhân, được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy mức độ, người vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định rất rõ về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Theo đó, khi vi phạm, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính. Trường hợp tái phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm./.

Tuấn Huy

BẢN DESKTOP