Khám phá

Thiền sư Vạn Hạnh, nhà tiên tri xuất chúng – kỳ 3: Tạo dựng minh quân

Tạo dựng minh quân là công lao lớn của Thiền sư Vạn Hạnh đối với đất nước, với dân tộc.  Ông đã khai thị nhân tâm, vận động lòng dân bằng sấm truyền một cách siêu dị.

Tượng Lý Thái Tổ.

Cuộc vận động để Lý Công Uẩn lên ngôi

Quả thật con người Vạn Hạnh quá vĩ đại, thông suốt sự thành hợp, tan hoại, cả mấy thế kỷ. Thời Tiền Lê vị anh hùng cứu quốc Lê Hoàn đã từng đánh tan quân xâm lăng nhà Tống vào năm 980. Ông mất vào năm 1005. Khi vừa nằm xuống các con tranh giành ngôi vua.

Lê Long Đĩnh còn gọi là Lê Ngọa Triều, một ông vua tàn ác hoang dâm vô độ. Khiến cho nhân dân ly tán, lòng người phẫn nộ căm hờn, cơ hội cho sự xâm lăng của quân Tàu, có thể đưa dân tộc rơi vào kiếp nô lệ…

Vạn Hạnh mới bảo Lý Công Uẩn: – Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chính là ông. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một.

Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Sau này đúng như lời ước đoán của Vạn Hạnh thật chỉnh với vận của Lý Công Uẩn, và chỉnh với cả lịch sử các triều đại về sau của nước Việt ta.

Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, ông đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách “Thiền uyển tập anh” nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Sách này kể ra một vài phương pháp đã dùng.

Khai thị nhân tâm

Khả năng này Vạn Hạnh còn sử dụng tuyệt diệu hơn trong việc tạo dựng nên một Lý Công Uẩn, sau này trở thành một vị minh quân, một vĩ nhân của dân tộc.

Vạn Hạnh chuẩn bị khai thị nhân tâm, vận động lòng dân bằng sấm truyền một cách siêu dị. Sách Đại Việt Sử Ký ghi lại rằng: …sét đã đánh lên cây gạo ở chùa Minh Châu, làng Cổ Pháp (do Thiền Sư La Quí An trồng năm 936) in thành chữ “Quốc”.

Vạn Hạnh đã thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La với mục đích bảo vệ nền độc lập lâu dài cho dân tộc. Vạn Hạnh đã thảo ra lời Chiếu dời đô, theo lời chiếu, đất Hoa Lư là nơi “thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không nên”. Trong khi đó đất Đại La “ ở giữa khu vực trời đất có địa thế rồng quấn hổ phục, ở giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh và phồn vinh”.

Với tài chiêm đoán của mình, cùng công sức dạy dỗ, hướng nghiệp đạo, đời cho Lý Công Uẩn, Thiền sư Vạn Hạnh trở thành một nhân vật có đóng góp rất lớn cho lịch sử nước nhà không chỉ về mặt đạo mà cả mặt đời. Cảm công đức của ông, sau này, vua Lý Nhân Tông viết về Vạn Hạnh: Vạn Hạnh dung tam tuế- Chân phù cổ sấm thi- Hương quan danh cổ pháp- Trụ tích chấn vương kỳ

Nghĩa là: Thiền sư Vạn Hạnh hợp nhất được ba cõi, quá khứ, hiện tại, vị lai; đúng với tinh thần tiên tri thời cổ xưa. Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp. Thiền Sư đem gậy Thiền học bảo vệ cho lãnh thổ quốc gia.

Còn Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định: “Sư Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Thái Tổ, biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán biết thời thế thay đổi, như thế là có tri thức vượt người thường vậy”…

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP