Y học và đời sống

Thích ăn đồ chiên, rán: Nhiều thanh niên trẻ nhập viện vì mật “đầy sỏi”

  • Tác giả : Thúy Nga
Chất béo được coi là một trong tác nhân quan trọng gây bệnh sỏi mật. Với lối sống công nghiệp ăn nhiều thức ăn nhanh, chất béo, ít vận động, dư thừa mỡ... khiến nhiều người còn rất trẻ đã mắc phải sỏi mật.

Trẻ hóa thanh niên mắc sỏi mật

N.V. H (19 tuổi, Hà Nội) là dân công nghệ vừa đi học, vừa đi làm thêm, gia đình ở xa nên suốt ngày ăn đồ ăn sẵn. Đặc biệt, T rất thích đồ chiên, rán.

Gần đây, H. thường xuyên đau bụng dưới sườn phải, kèm với buồn nôn và nôn. Cơn đau kéo dài 30 phút đến vài giờ, đặc biệt sau giờ ăn, bữa ăn có nhiều dầu mỡ, cơn đau tăng hơn. H. đi khám bác sĩ kết luận sỏi mật. Đặc biệt, sỏi đã chèn gần đầy kín túi mật của H.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm khoa phẫu thuật gan mật khám cho hơn 3.000 người bệnh có các bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật.

Những năm gần đây bệnh viện thường xuyên tiếp nhận người bệnh từ 18-30 tuổi mắc sỏi mật. Thậm chí có trường hợp bệnh nhi mới 12 tuổi đã mắc sỏi mật.

PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện Tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 198 cảnh báo, sỏi mật là một bệnh lý đường tiêu hóa hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện. Thống kê cho thấy, có khoảng 10 – 15% người trưởng thành mắc bệnh sỏi mật. Bệnh trước thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện tại gặp nhiều ở người trẻ. Nhiều thanh niên 17 -18 tuổi mật đã chứa đầy sỏi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ngoài mang thai, béo phì, tiểu đường... chính là thói quen ăn uống, sinh hoạt không đúng của người dân: ăn nhiều mỡ động vật, thực phẩm giàu cholesterol và các chất kích thích, lười vận động...

Thăm khám cho bệnh nhân sỏi mật tại bệnh viện Việt Đức

Thăm khám cho bệnh nhân sỏi mật tại bệnh viện Việt Đức

BS Nguyễn Hải Nam, Phó trưởng khoa phẫu thuật gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, trước đây bệnh nhân mắc sỏi mật, sỏi đường mật chủ yếu là người dân sống ở vùng nông thôn do tình trạng nhiễm ký sinh trùng (do thói quen ăn uống, sinh hoạt).

Tuy nhiên, hiện nay bệnh lý này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa và nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa chất, ăn uống dư thừa chất béo.

"Hiện nay, đặc biệt người dân sống ở thành thị thường có thói quen ăn uống không lành mạnh. Việc sử dụng quá nhiều chất béo nói chung như sữa, bơ, dầu, mỡ... dẫn tới tích những sỏi cholesterol ở trong mật. Vì vậy, những người trẻ tuổi có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn so với trước", BS Nam nói.

Mỡ gây bệnh nhưng không nên bỏ

Theo BS Yên Lâm Phúc, Bệnh viện 103 cho biết, chất béo được coi là một trong tác nhân quan trọng gây bệnh sỏi mật. Người thường xuyên ăn thức ăn nhiều mỡ sẽ khiến cho thành phần mỡ máu bị thay đổi qua đó làm thay đổi thành phần dịch mật, cụ thể là tăng triglycerid và cholesterol. Khi nồng độ hai chất này trong dịch mật quá cao, chúng sẽ lắng động lại và tạo thành cặn bám của nhân sỏi, hình thành sỏi mật.

Hạn chế ăn mỡ động vật, không ăn quá nhiều thức ăn rán, quay, đặc biệt với người đã từng bị sỏi mật. Với nhân viên văn phòng và những người làm việc nhẹ nhàng thì mỗi ngày không nên ăn quá 50g dầu mỡ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Triệu Triều Dương, không nên loại bỏ hoàn toàn các loại chất béo. Bởi một chế độ ăn quá ít chất béo hoặc không có chất béo đều có thể là nguyên nhân dẫn tới việc hình thành sỏi mật.

Hơn nữa, cơ thể vẫn cần có chất béo để cung cấp năng lượng để hoạt động. Một số loại dầu như dầu dừa, bơ… rất tốt cho người bệnh sỏi mật, không làm ảnh hưởng tới nguy cơ hình thành sỏi mật.

Đặc biệt, người bệnh sau phẫu thuật sỏi mật nên lựa chọn thực phẩm dễ tiêu, không có hoặc có rất ít chất béo, chế biến dưới dạng hấp và luộc. Nên chế biến thức ăn ở dạng dễ tiêu như cháo, súp, các loại rau, củ…

Người bệnh nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, D, E, K do những vitamin này thường bị giảm sau cắt túi mật. Ngoài ra, bổ sung vitamin C cũng là cần thiết để cơ thể tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy làm nhanh lành vết mổ. Khi khỏi bệnh cần quay lại chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể và tốt cho gan mật.

Sỏi mật có thể không có triệu chứng trong vòng 10 – 20 năm nhưng lại rất nguy hiểm bởi các biến chứng cấp như viêm túi mật, viêm tụy cấp, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, tắc mật và ung thư túi mật... Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng hay để lại di chứng. Vì vậy, cần khám bệnh định kỳ và khi có biểu hiện: đau bụng, đau bụng quặn thành từng cơn... cần đi khám ngay” – PGS.TS Triệu Triều Dương.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP