Chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội nâng hạng vào năm 2021

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020, Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, những tháng gần đây, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, lấy lại đà tăng trưởng tốt.

Năm 2020 là một năm có nhiều biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong quý 1/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. VN-Index giảm tới 33% giá trị so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, sang quý 2 và quý 3, thị trường đã có những phục hồi tích cực. Thị trường cổ phiếu hiện có 1.647 mã cổ phiếu. Chứng chỉ quỹ với quy mô niêm yết đăng ký giao dịch thị trường đạt gần 1.428 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2019. Quy mô vốn hoá tại thị trường tăng 24% so với thời điểm cuối quý 1/2020, tương tương với 64,5% GDP 2019. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới tăng mạnh trong những tháng gần đây, ước khoảng 300 - 400 nghìn tài khoản.

Không chỉ phục hồi tốt về điểm số và quy mô, tính thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Thanh khoản tăng 25,7%, với bình quân giao dịch đạt 7.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi ngày. Thị trường phái sinh, thị trường mở đều tăng gần như 100%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, VN-Index có thể đạt 980 - 990 điểm, thậm chí quay lại mốc 1.000 điểm nhờ nội lực của các nhà đầu tư nội.

Bên cạnh những điểm tích cực trên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh.

Mặc dù tổng số lượng cổ phiếu, trái phiếu phát hành ra thị trường không kém gì so với năm 2019, nhưng tổng lượng huy động vốn thực sự chỉ bằng 61% năm ngoái, do sụt giảm nguồn vốn đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể vào Việt Nam trực tiếp nghiên cứu thị trường, làm lỡ nhiều dịp phát hành cổ phiếu lớn.

Ngoài ra, nhiều kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng bị dừng lại. Nhiều cuộc đấu giá bị huỷ do chưa huy động đươc nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, không phải thị trường Việt Nam không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại. Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý, chào bán chứng khoán - UBCKNN, nếu so sánh với các nước trong khu vực Asean, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng vốn hoá thị trường ở Việt Nam khá cao, chỉ thấp hơn Singapore và Malaysia.

Hơn nữa, hiện tượng rút vốn ở Việt Nam xảy ra rất ít. Giá trị rút vốn của các nhà đầu tư cho đến thời điểm hiện tại khoảng 4 - 5 nghìn tỷ đồng, không nhiều so với tổng số vốn hoá của thị trường.

“Nhiều khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI (Morgan Stanley Capital International) trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021”, ông Hải lạc quan.

Minh Lâm

BẢN DESKTOP