Giáo dục

Thi THPT Quốc gia: Cách làm bài văn nghị luận đạt điểm cao

  • Tác giả : ThS Nguyễn Tuyết Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Câu hỏi về nghị luận văn học chiếm 50 % số điểm bài thi THPT Quốc gia. Nắm được cách làm bài văn nghị luận sẽ khiến thí sinh có thể có được kết quả tốt môn Ngữ văn.

Những vấn đề cần ôn luyện

Trước hết, thí sinh cần nắm vững bài Khái quát Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975, từ 1975 hết thế kỉ XX. Nhận diện được các văn bản được học thuộc giai đoạn nào, đặc điểm cơ bản của văn học từng giai đoạn.

Ví dụ, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm nổi bật của văn học cách mạng 1945 -1975. Khuynh hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản nhân văn sâu sắc là đặc trưng của giai đoạn VH sau 1975. Từ đó nắm hoàn cảnh ra đời và lập bảng phân loại các văn bản vào 2 giai đoạn đó.

Thứ hai, ôn luyện các văn bản theo đặc trưng thể loại và nắm chắc giá trị nội dung – nghệ thuật cốt lõi. Văn chính luận phải chú ý đến bố cục, hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng và nghệ thuật lập luận.

Thể kí cần chú ý đến những đặc điểm của đối tượng được miêu tả, hình tượng cái Tôi tác giả. Truyện ngắn chú ý hệ thống nhân vật, tình huống truyện, chi tiết tiêu biểu.

Kịch chú ý khai thác mâu thuẫn, xung đột để làm nổi bật ý nghĩa triết lí và thông điệp của tác phẩm.

Thơ – chú ý mạch cảm xúc, nhân vật trữ tình, ngôn ngữ, đặc sắc nghệ thuật… Đề thi bao giờ cũng được phát triển và nâng cao từ những kiến thức cơ bản của tác phẩm.

Nhận diện các kiểu đề 

Các dạng đề bao gồm: Nghị luận về bài thơ/đoạn thơ; Phân tích/Cảm nhận về một đoạn trích văn xuôi; Phân tích/ cảm nhận về một nhân vật trong tác phẩm;

Nghị luận về một hoặc hai ý kiến bàn về tác phẩm; dạng đề cảm nhận - so sánh 2 đoạn văn/đoạn thơ/2 chi tiết/2 tư tưởng/2 đoạn thơ của 2 tác phẩm;

Dạng đề liên hệ tác phẩm 12 và 11 (năm 2018); dạng đề phân tích/cảm nhận nhân vật, hình tượng nghệ thuật trong 2 tình huống khác nhau (đề minh họa 2019- dạng so sánh nội tại)…
Lưu ý: Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục. Lời văn của một bài nghị luận cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết.

Trên cơ sở nắm được kĩ năng làm các dạng đề trên, HS cần đi sâu luyện nhiều dạng đề minh họa năm nay:

Ví dụ, dạng đề phân tích/cảm nhận nhân vật, hình tượng nghệ thuật trong 2 tình huống khác nhau (dạng so sánh nội tại) để làm nổi bật sự vận động phát triển trong tư tưởng của tác giả, hoặc sự thay đổi của nhân vật, hoặc vẻ đẹp đa dạng của hình tượng nghệ thuật.

Để làm tốt dạng đề năm nay đòi hỏi HS phải nắm thật chắc văn bản, từng mạch cảm xúc nội dung. Cần phân tích giá trị nội dung – nghệ thuật từng đoạn, từng hoàn cảnh tình huống. Từ đó mới nhận xét, bình luận nâng cao về sự vận động thay đổi của nhân vật, của tư tưởng tác giả.

Đề minh họa: Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả về nhân vật Mị:

…Ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.[...]. Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

...Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc…

(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, tập Hai, NXBGDVN 2016, tr.6-13-14)

Phân tích sự thay đổi của nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật nét độc đáo trong tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

Với đề bài trên, từ những hiểu biết cơ bản về tác giả tác phẩm, HS cần làm nổi bật hình tượng Mị trong 2 hoàn cảnh: từ chai sạn, tê liệt trong cuộc sống đau khổ ở nhà thống lí Patra đến một cô Mị can đảm mạnh mẽ, dám vượt qua nỗi sợ hãi để cắt dây trói giải thoát cho một người nô lệ cùng khổ và bỏ chạy khỏi địa ngục trần gian. Từ đó khái quát, nâng cao làm nổi bật nét độc đáo trong tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài chính là niềm tin vào sức sống bất diệt và tinh thần phản kháng của người dân lao động vùng cao Tây Bắc.

Kĩ năng mở bài và kết bài ấn tượng

Đây là 2 kĩ năng quan trọng trong việc dẫn dắt cảm xúc giám khảo và thể hiện kiến thức văn chương phong phú của người viết. Có 2 cách mở bài:

Mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả (vị trí, phong cách nghệ thuật), tác phẩm, đoạn trích, trích dẫn nhận định/ý kiến.

Mở bài gián tiếp: Dẫn dắt từ chủ đề, số phận- cảnh ngộ, giai đoạn văn học. Hoặc có thể trích dẫn những câu nói nổi tiếng có liên quan đến đề tài để dẫn dắt mở bài.

Ví dụ:
1.“Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người .(Nguyễn Văn Siêu)
2. “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.” (Nam Cao)…

Mở bài và kết bài bắt đầu bằng việc trích dẫn những câu nói nổi tiếng có liên quan vừa tạo nên cảm xúc đồng cảm với giám khảo vừa thể hiện được kiến văn phong phú, đọc nhiều và chất văn chương của người viết.

Hình thức sáng sủa dễ gây thiện cảm

Cố gắng đảm bảo chữ viết rõ ràng, dễ đọc. Để bài làm dễ “bắt mắt” cảm quan ban đầu của người chấm thì sau khi làm hết các phần, các câu HS nên cách ra một dòng cho mạch lạc, sáng sủa.

Bài văn NLVH trong phần triển khai thân bài cần có hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng.

Mỗi luận điểm nên diễn đạt bằng một đoạn văn diễn dịch – câu chủ đề đứng đầu đoạn chính là ý lớn muốn triển khai.

Bài viết gồm nhiều đoạn văn, mỗi đoạn không nên triển khai quá 10 dòng. Nên ngắt ý xuống dòng để không tạo áp lực đọc triền miên, không ngắt nghỉ cho giám khảo.

Cách phân chia thời gian làm bài khoa học, hợp lý cũng rất quan trọng. 

Phần Đọc hiểu nên làm tối đa 20 phút

Viết đoạn văn NLXH: 25 phút

Viết bài văn NLVH: 75 phút

ThS Nguyễn Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội 

ThS Nguyễn Tuyết Nhung

BẢN DESKTOP