Dọc đường

Theo dấu người tiền sử trong hang động núi lửa

Trầy trật nối gót người dẫn đường vẹt cây mở lối trên nền đá basalt bọt lổm nhổm, tới cuối chặng đường thăm thẳm xuyên rừng, nỗi nhọc nhằn tan biến. Chúng tôi đặt chân xuống lòng hang động mát lạnh, tận mắt chứng kiến niềm vui của các nhà khảo cổ tâm huyết trước những di vật mới phát hiện, đặc biệt quý giá.

Du khách: Chờ đã!

Hơn 3 năm trước, nhóm nữ phóng viên có dịp được cùng đoàn của Hội hang động Núi lửa Nhật Bản và Bảo tàng Địa chất Việt Nam đột nhập vào hệ thống hang động khổng lồ. Sau khi phóng sự “Độn thổ vào động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á” khởi đăng, hàng trăm độc giả phấn khích tìm mọi cách để “mục sở thị” cảnh sắc dung nham dữ dội phun trào đông cứng vạn năm, dù tác giả đã cảnh báo vì lý do an toàn, du khách chưa nên đến.

Phóng viên cùng các nhà khảo cổ dưới hang động núi lửa.

Nhiều người phóng ô tô, xe máy tìm đường vào huyện Krông Nô, nhờ cư dân bản địa đưa tới các “hang dơi”, tự lần mò trèo vào vài đoạn hang tăm tối âm u với sự hăm hở, tò mò mãnh liệt. Chia sẻ trên mạng xã hội, đa số thất vọng vì không thấy thạch nhũ long lanh ngoạn mục như hang động núi đá vôi, lại còn hoảng hốt nhận ra những mảng trần yếu dưới hang sâu rất dễ sụp lở, có thể chôn vùi bất cứ đoàn phượt liều mạng nào!

Được báo động về tệ nạn chặt cây, phá đá, bóc gỡ nham thạch, nguy hiểm cho tính mạng du khách, xâm hại tính nguyên vẹn của khu vực di sản địa chất quý giá, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng thông báo khắp nơi lệnh cấm mọi hình thức xâm nhập vào đây, giao huyện xã tổ chức canh phòng cẩn mật.

Năm 2017, tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ VHTT&DL bổ sung “Công viên địa chất núi lửa Krông Nô” (viết tắt KVG) vào danh mục khu du lịch quốc gia giai đoạn tới. Tỉnh mời gọi các nhà khoa học hỗ trợ, triển khai công trình nghiên cứu về khảo cổ và địa chất, giúp tỉnh lập hồ sơ chứng minh KVG đạt tiêu chí công viên địa chất toàn cầu.

Mục tiêu đó gắn với cả núi công việc phải làm. Vậy, bao giờ đại dự án KVG bao trùm 6 huyện thị, với hệ thống hang động dung nham lớn và đẹp nhất Đông Nam Á, chạy dài theo sông Sêrêpôk nhiều thác ghềnh thơ mộng, mới trở thành đích đến tiện nghi và an toàn để chính thức mở cửa đón du khách? Đó vẫn là câu hỏi khó, ngay với cả lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.

Khảo cổ dưới hang sâu

Qua những cuộc trò chuyện trước đây với nhóm chuyên gia địa chất, tôi được biết cho tới nay, khắp hệ thống hang động kỳ vĩ này chỉ mới lộ diện một miệng phun trào duy nhất trên đỉnh núi lửa Chư B’Luk, cao 601m so với mực nước biển, thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô. Trong khoảng 50 cửa hang được đánh dấu, ngoài vài cửa hang nguyên sinh tròn sâu được tạo ra trong quá trình dung nham basalt nóng chảy thoát khí, các miệng hang còn lại đều là cửa thứ sinh dạng vòm, do sập trần mà thành nên ngổn ngang những đống đá basalt đổ lở.

PGS Nguyễn Lân Cường (phải) và ThS Vũ Tiến Đức miệt mài khảo cổ dưới hang sâu.

Trong một cửa hang thứ sinh dạng vòm ấy, năm 2017 đoàn nghiên cứu đã tiến hành thám sát trên diện tích 2m2. Tại đây đoàn đã phát hiện được nhiều di vật khảo cổ như công cụ đá, mảnh tước, phiến tước; hòn ghè, hòn kê, chày nghiền, mảnh gốm, xương động vật… Sau khi được cấp phép khai quật, từ tháng 3/2018, đoàn tiếp tục mở rộng diện tích hố thám sát lên gấp ba lần.

Đứng trên miệng hang rộng lớn, chúng tôi quan sát gần chục người cắm cúi đào bới, sàng đãi dưới lòng động tít sâu. Để “hạ thổ” gặp họ, phóng viên phải trèo xuống một thang cây dài dựng đứng, gắn kết thô sơ.

 Từ dưới hố khai quật, các xô đất lần lượt được chuyển lên, đưa đến chỗ sàng đãi. Tiến sĩ La Thế Phúc (Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô”) phấn khởi chỉ cho tôi thấy những mảnh đá nguyên liệu và công cụ đá được người xưa lấy từ nơi khác đem về hang. Trong đó, có mảnh tước bằng đá opal bé xíu với cạnh sắc dùng cắt thay dao và vô số xương động vật, xương cá, vỏ ốc, vỏ trai… Là những bằng chứng sinh động về cuộc sống người tiền sử thời xa xưa.Nhưng phát hiện mới nhất, quan trọng nhất vẫn đang ở dưới đáy hố sâu kia. Nắng chiều rọi xuống vách hang được phụ trợ thêm bởi hệ thống đèn các loại, soi rõ dáng người đang nửa nằm, nửa ngồi cần mẫn dùng chai có vòi xịt từng tí nước, rồi nhẹ nhàng dùng thìa chuyên dụng tỉ mỉ nạo đất quanh một mảng di vật tròn to, lộ dần hình dáng của một… sọ người. Sau hơn nửa giờ nạo vét, ông nhường chỗ cho Thạc sĩ Vũ Tiến Đức.

Nhanh nhẹn trèo lên miệng hố đào, nhìn tôi, ông ngạc nhiên hỏi sao bỗng dưng lại xuất hiện một “bóng hồng” ở chỗ “khỉ cũng không ho nổi”? Nhưng “bóng hồng” còn thích thú hơn, khi biết “chàng trai” 77 tuổi vừa cần cù đào bới dưới đáy hang sâu, giữa rừng hoang xa thẳm này chính là PGS-TS kiêm nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, người nổi tiếng là “ông đào mộ cổ”.

Cần bảo vệ toàn vẹn thiên nhiên vùng di sản

Phó giáo sư Nguyễn Lân Cường cởi mở chia sẻ: Trong các hiện vật mà đoàn khảo cổ khai quật được lần này, đặc biệt nhất chính là các mảnh xương và sọ của một bộ hài cốt táng trong tư thế ngồi, cùng các dấu tích về khu mộ và nơi cư trú. Viện Khảo cổ từng khai quật nhiều nơi trên Tây Nguyên, chưa tìm được dù chỉ một cái răng hay mẩu xương người nào. Phát hiện mới sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp để tìm hiểu về chủ nhân thời tiền sử trên cao nguyên basalt.

Con đường phản cảm xuyên qua vùng di sản.

Là một trong những người trực tiếp đào thám sát và khai quật, TS Lê Xuân Hưng (Trưởng bộ môn “Khảo cổ học – Dân tộc học”, trường Đại học Đà Lạt) khẳng định: Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ Việt Nam phát hiện các dấu vết của con người thời tiền sử trong hang động núi lửa. Nhờ môi trường hang động mà bảo tồn được toàn bộ những trầm tích của con người.

Sẽ có thể phục dựng tại đây một cây niên đại trên dưới 10 nghìn năm, kéo dài đến giai đoạn kim khí, phục dựng thảm động thực vật thông qua các di vật như xương thú, ốc, hến, rùa, phấn hoa; phục dựng cổ môi trường qua phân tích từ cảm sẽ chỉ ra được thành phần nhân chủng, là bài toán xưa nay chưa có câu trả lời. Để thực hiện được những việc hữu ích ấy, các nhà khoa học rất cần được đầu tư kinh phí, cần được các nhà quản lý hỗ trợ đắc lực hơn nưa.

Các nhà khoa học lưu ý: Kết quả đặc biệt của đợt khai quật di chỉ tiền sử trong hang động núi lửa này sẽ chỉ được phép công bố sau khi các nhà chuyên môn phân tích, nghiên cứu, xác định niên đại, đánh giá một cách cẩn trọng, được cơ quan chủ trì cuộc khai quật là Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Bộ VHTT&DL thông qua. Còn việc nhóm sẽ làm ngay, là làm rào chắn cẩn mật để những kẻ tò mò “tình cờ đi lạc” không gây trở ngại cho công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích khảo cổ.

Ngắm những đôi tay lấm lem bụi đất, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các thành viên nhóm khai quật, tôi cảm nhận được sâu sắc tâm huyết của các nhà khoa học đang nỗ lực tạo nên những câu chuyện, những bài học về thiên nhiên, về con người đặc biệt lý thú, mà trong tương lai sẽ vô cùng giá trị trong việc thu hút du khách muôn phương đến với Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, giúp tỉnh Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư và du lịch.

Trèo lên khỏi hang sâu, chúng tôi trở về không băng rừng, mà đi theo lối mòn, lập tức nhức mắt với một con đường nhỏ hẹp cực kỳ phản cảm. Con đường mới trát bằng xi măng, dùng đá bazalt bọt lát nền, xây gờ hai bên trông như cái mương thoát nước. Nhiều đoạn vữa mới tô đã vỡ, mấp mô chạy dài suốt mấy cây số xuyên qua khu vực hang động. Hỏi thăm nhóm nông dân chăn bò đi qua, họ than: Chả hiểu sao con đường “triệt sản” này lại xây trùm lên đường mòn dân sinh giữa 2 xã Đắk Sôr, Buôn Choah. Chất lượng kém thế, chỉ qua một mùa mưa sẽ hỏng hết, làm xấu cả khu rừng! Nghe nói tỉnh huyện vẫn rót tiền nuôi nhiều tổ bảo vệ, nhưng việc khai thác đá, đào giếng khoan, xâm canh làm rẫy nhiều nơi vẫn cứ ngang nhiên diễn ra trên vùng hang động núi lửa này đấy.

Trao đổi về các hiện tượng xâm hại khu di sản đáng lo ngại này với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bà xác nhận thực trạng là có, tỉnh đang ráo riết chấn chỉnh. Riêng con đường di sản xấu xí mà dân gọi là “đường triệt sản”, tỉnh cũng thấy nhiều sai sót, nên đã yêu cầu chủ đầu tư là UBND huyện Krông Nô đập bỏ làm lại, theo hướng hài hòa với thiên nhiên. Thế nhưng, tôi chưa viết xong phóng sự, lại đã nghe dân mách “đường triệt sản” chẳng những không bị phá bỏ, mà còn đang được xây nối dài thêm…

Theo Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)

BẢN DESKTOP