Giáo dục

Thầy giáo vùng cao: Món quà vô giá là những bó hoa rừng

  • Tác giả : Mai Loan
Những bó hoa được các em hái từ rừng, có khi ven đường mang tới tặng thầy trong ngày lễ 20/11 là kỷ niệm đặc biệt xúc động đối với “thầy giáo Bản Mèo” Nguyễn Xuân Diệu.

“Không có thầy đóng học phí, không có em hôm nay”

Thầy giáo Nguyễn Xuân Diệu, Trường THCS Quang Minh, Bắc Quang, Hà Giang chia sẻ, mới đây, trên đường đi công tác qua điểm trường thầy đã từng dạy cách đây 20 năm, thầy đã gặp lại người học trò cũ mà thầy chủ nhiệm ngày lớp 9.

Gặp thầy, cậu học trò nhất định mời thầy trưa qua nhà trò ăn cơm cơm. Trò nói hôm đó sẽ đóng cửa hiệu, chỉ để tiếp thầy, vì "không có thầy đóng học phí, em không có được như ngày hôm nay".

Và khi trở lại, thầy bất ngờ khi trò mổ cả con lợn, mổ thêm cả gà để thết đãi thầy long trọng, linh đình.

thay-nguyen-xuan-dieu.jpg
Thầy Nguyễn Xuân Diệu hạnh phúc cùng với những bó hoa rừng được tặng từ các em học sinh trong ngày 20/11. Ảnh: NVCC.

“Đó là cậu học trò người Tày, nhà rất nghèo. Năm lớp 9, em không có tiền đóng học phí. Thấy hoàn cảnh em như vậy, tôi đã đứng ra đóng học phí cho em để em tiếp tục theo học. Chuyện đã qua lâu, tôi cũng không nhớ nữa. Vậy mà mẹ của cậu trong bữa cơm cứ cảm ơn tôi, bảo không có tôi thì không có em bây giờ… Tôi vừa bối rối, vừa xúc động”, thầy Diệu nói.

Thầy Diệu chia sẻ, trong suốt 20 năm gắn bó với các học sinh vùng cao, thì điều khiến thầy vui, hạnh phúc nhất, chính là có được những tình cảm chân thành, sự yêu quý của học trò giống như câu chuyện với cậu học trò kia.

Nhưng để có được điều đó, thì trước hết người thầy phải trao đi sự tận tâm và chân thành. Vì sao có những người thầy, người cô mà khi học trò ra trường nhiều năm vẫn nhớ đến, vẫn quay trở về tri ân? Đó là vì trò muốn cảm ơn những giá trị đáng quý mà trò đã được nhận từ thầy cô khi ngồi trên ghế nhà trường.

Giá trị đó, không thể trao đổi bằng vật chất mà có được. Nếu chỉ dùng vật chất đơn thuần để mua, trao đổi thì cũng giống như một món hàng, mua xong là chấm dứt, khi ra trường, rời “chuyến đò” trò sẽ quên luôn. Nhưng nếu là những ân tình, thì sẽ đi theo mỗi người suốt cuộc đời.

Có những học trò khi gặp lại bảo, thầy ơi, chỉ nhờ một câu nói của thầy mà em đã thay đổi cuộc đời, có được như ngày hôm nay. Có rất nhiều học trò khi ra trường, đến ngày trọng đại cuộc đời, nhất định phải mời thầy có mặt, chung vui, những ngày lễ không bao giờ quên gọi điện cho thầy.

“Điều đó tựa như quả ngọt mà người trồng dù không mong đợi, nhưng có công gieo thì có ngày nhận được. Cũng có những "quả", người thầy sẽ không bao giờ biết, vì các em đi muôn nơi. Nhưng khi đã gieo những hạt giống tốt thì luôn tin rằng sẽ tạo ra quả ngọt, và thế là đủ an tâm, hạnh phúc, nghề thầy là vậy”, thầy Diệu nói.

Món quà vô giá

Thầy Diệu chia sẻ, với các thầy cô giáo vùng cao như thầy, khát vọng lớn nhất là mong các em học giỏi, để sau này có thể có được cuộc sống tốt hơn, đỡ vất vả hơn. Và các bậc phụ huynh cũng quan tâm tới các con hơn, tạo điều kiện để các em được đến trường, được học hành.

Rất nhiều những đêm mùa đông rét cắt da cắt thịt, 7-8h tối là các thầy cô giáo lại băng rừng, lội suối đến nhà học sinh vận động bố mẹ cho các em đi học. Ban ngày bố mẹ các em đi làm, chỉ có thể gặp được vào buổi tối. Có những đoạn nước sâu, nước ngập ngang ngực vẫn cứ đi.

Và để vận động được cho các em đến trường, cũng là cả một “nghệ thuật”. “Có hôm đến nhà học sinh phụ huynh mời vào ăn cơm. Cơm chỉ có bát mắm tôm rang cháy, nước đu đủ luộc, nhưng cả một chai rượu đầy. Dù đã ăn no rồi, tôi vẫn phải ngồi ăn cơm, uống rượu với phụ huynh”, thầy Diệu chia sẻ.

20 năm “cõng con chữ lên non”, nhiều khó khăn vất vả không kể xiết.

Những đêm gió lùa nhà tranh vách nứa; những bữa phải ăn độn măng, rau rừng; đường đi xa xôi qua đèo qua suối; thầy cô không hiểu tiếng dân tộc, phải học để vừa dạy các em, vừa hòa nhập văn hóa với bà con…

Tất cả những nỗ lực đó, cũng chỉ với một mong muốn là các em được đến trường, không bị thất học.

“Cho nên, ngày 20/11, chỉ là bó hoa rừng các em hái vội ven rừng, ven đường cùng nụ cười rạng rỡ của các em khi đến lớp tặng thầy cô cũng đã là món quà vô giá, thành quả tuyệt vời đối với chúng tôi, xúc động và tự hào lắm”, thầy Diệu nói.

Sắp tới, thầy Diệu sẽ chuyển hẳn về xuôi công tác, nhưng những tháng năm thanh xuân gắn bó cùng các em học sinh đồng bào dân tộc mãi là những kỷ niệm không thể nào quên được trong cuộc đời làm thầy của thầy.

“Món quà của học sinh vùng cao giản dị lắm, có khi là củ khoai, củ sắn, hoặc quả cam vườn nhà... Ở vùng cao, khi được các em tặng quà là hiểu rằng, các em thực sự yêu quý thầy cô, chứ không phải tặng để được các thầy cô yêu quý”, thầy Nguyễn Xuân Diệu chia sẻ.

Mai Loan

BẢN DESKTOP