Bình luận

Thay đổi quy trình “rót tiền”, không biếu tiền ngân sách

Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội tình trạng phân bổ vốn ODA về các địa phương, sử dụng vốn không hiệu quả dẫn tới dự án đội vốn, chậm tiến độ, tham nhũng, thất thoát… tồn tại từ khá lâu. Đã đến lúc thay đổi quy trình “rót tiền” về cho các địa phương, thực hiện đúng cơ chế thị trường. Tiền ngân sách không thể cho không biếu không.

PGS.TS Hoa Hữu Lân cho rằng, tiền ngân sách không thể cho không biếu không.

Đừng để con cháu phải è cổ trả nợ

Năm 2016, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết trong 10 năm qua, trung ương đã giải ngân 15 tỷ USD vốn ưu đãi (ODA) cho các dự án, chương trình đầu tư của địa phương. Chính vì cơ chế cấp phát ODA cho dự án của địa phương nên hầu hết dự án sử dụng vốn ODA có hiệu quả không cao. Hầu hết các dự án, đặc biệt là dự án giao thông, chậm tiến độ, đội vốn rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Quy trình vay và cho vay lại vốn ODA hiện nay và sửa đổi áp dụng từ 1/1/2017 sẽ áp dụng cơ chế cho các địa phương vay lại vốn ODA từ Chính phủ, địa phương phải cân đối thu chi để trả nợ, thay vì cấp phát như hiện nay. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

Tôi thấy đây là giải pháp rất cần thiết trong điều kiện ngân sách đang khó khăn như hiện nay. Nếu không điều hành tốt mà vẫn cứ đi vay nợ về để đầu tư thì con cháu sau này sẽ è cổ mà trả nợ. Việc phải xiết lại việc sử dụng vốn vay ODA là việc làm rất cần thiết.

Vốn vay ODA có loại không phải hoàn trả, có loại phải trả. Khi Chính phủ đi vay nợ về cấp phát cho địa phương thì Chính phủ là con nợ của các nước cho vay. Giờ xóa bỏ việc cấp phát thì địa phương trở thành con nợ nếu thực hiện vốn vay không hiệu quả. Chính phủ chỉ là khâu trung gian, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng sử dụng vốn ODA không hiệu quả như hiện nay.

Kết luận của cơ quan chức năng cũng khẳng định việc sử dụng vốn ODA hiện đang không hiệu quả, vì chúng ta quản lý kém hay vì đâu?

Phải thẳng thắn nói rằng việc quản lý vốn Nhà nước là chưa tốt, chưa hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, tâm lý tiêu “tiền chùa” vẫn còn phổ biến ở một số địa phương, dẫn đến những dự án đội vốn để cả trăm phần trăm, những dự án làm xong đắp chiếu đó bởi nơi nào cũng đua nhau xin cho được dự án để tiêu tiền, biến Nhà nước thành con nợ. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy để phát triển.

Quy định này xem ra có phần sòng phẳng trong cơ chế thị trường hiện nay?

Đúng thế, tiền ngân sách không thể cho không biếu không, doanh nghiệp hay chính quyền khi đầu tư thì cũng phải bình đẳng. Doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển phải vay ngân hàng, địa phương muốn đầu tư phải vay Chính phủ với những cam kết rõ ràng.

Và có vay thì đương nhiên là phải trả, tiền trong túi mình, tiền của mình thì chắc chắn tư duy chi tiêu sẽ phải khác. Không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” nữa. Và đương nhiên, gánh nặng nợ trên vai con cháu chúng ta sau này cũng sẽ nhẹ bớt.

Không hiệu quả sẽ không dám “xin”

Khi quy định mới được thực hiện, theo ông thì các địa phương có mặn mà, tích cực với việc đi xin dự án ODA không?

Tôi nghĩ là sẽ hạn chế rất nhiều, buộc địa phương phải tính toán rất kỹ càng dự án, từ tiến độ, cách thức triển khai đến năng lực quản lý, cạnh tranh… Dự án phải mang lại hiệu quả thực thụ thì địa phương mới dám đề xuất đầu tư. Nợ công có hiệu quả hay không phụ thuộc vào người sử dụng vốn đó như thế nào. Và để đầu tư tốt, phải tính đến hiệu quả, chứ không thể cứ đi vay bằng mọi giá thì rất rủi ro.

Trường hợp địa phương vay vốn đầu tư mà không trả được thì có dễ giải quyết?

Có gì khó đâu, nếu địa phương vay mà không sử dụng hiệu quả, không trả nợ thì Trung ương chỉ việc trừ vào ngân sách cấp hàng năm cho địa phương đó là xong. Khi đó, Nhà nước trở thành ngân hàng của địa phương. Địa phương không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ thực hiện “xiết nợ”.

Hơn nữa để vốn ODA thực sự phát huy được hiệu quả thì cần đến những quy định chi tiết, cụ thể hơn nữa, ràng buộc hơn nữa để buộc phải sử dụng cho tốt, nếu không đem lại hiệu quả thì hạn chế vay hoặc thậm chí là không vay nữa, dùng nội lực để mà phát triển.

Thế nhưng tôi cũng thấy băn khoăn, những dự án an sinh xã hội thì tính sao, nếu bắt địa phương phải vay để xây dựng thì chắc cũng khó?

Những công trình hoàn toàn phục vụ mục đích dân sinh, môi trường thì phải tùy tính chất của từng dự án mà quyết định chính sách cho vay hay cấp phát.

Tuy nhiên phải quản lý rất chặt những cái này thì mới mong đạt được hiệu quả. Đây chỉ là giải pháp để sàng lọc, xếp hạng các dự án về nhiều mặt như tính hiệu quả, công bằng… trước khi cấp vốn cho địa phương.

ODA không “ngon” đâu

ODA được hiểu là vốn vay ưu đãi từ các nước khác để phát triển, liệu có thể hiểu là vay được càng nhiều thì càng có điều kiện để phát triển?

ODA không “ngon” đâu, không dễ dàng đâu như nhiều người lầm tưởng. Đối tác cho vay vốn thường có các ràng buộc kèm theo, ví dụ như khi vay vốn của họ thì phải dùng nhà thầu của họ, mua công nghệ của họ hoặc họ phải có quyền lợi trong việc khai thác lợi ích từ dự án, thậm chí là cả những khoản như đi lại thương lượng, ký kết, đưa đi ăn uống, ngoại giao… chiếm hàng chục phần trăm trong khoản vay ấy cũng phải tính cả vào. Hơn nữa có vay thì có trả, chứ không ai cho không ta tiền để phát triển cả.

Nói thế thì rõ ràng là không nên “tích cực vay”?

Đúng thế, vốn ODA như con dao hai lưỡi, nếu quản lý tốt, sử dụng tốt thì nó sẽ phát huy tác dụng, thúc đẩy sự phát triển tạo nền tảng kinh tế tốt, việc con cháu sau này phải trả nợ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều bởi đã có cái nền tảng tốt ấy để phát triển.

Ngược lại nếu không quản lý tốt, để thất thoát, tham nhũng, lãng phí, sử dụng tiền một cách bừa bãi, coi đó là tiền “từ trên trời rơi xuống” thì cực kỳ nguy hiểm. Tiền tiêu không tạo ra nền tảng phát triển, nợ công thì cứ chồng chất.

Khi địa phương vay, có ý kiến cho rằng phải tham khảo người dân, vì người dân chính là người đi trả nợ sau này?

Người trả nợ chính là người dân, nên trong các dự án, rất cần sự công khai, minh bạch. Có thể có quy định khi địa phương lập dự án vay ODA thì địa phương phải công khai dự án để người dân được tham gia đóng góp ý kiến.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Tài chính cho biết ngành giao thông sử dụng rất nhiều vốn nhất. Riêng vốn vay nước ngoài là khoảng 20% tổng nguồn vốn vay. Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông, chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu. Tại Hà Nội, dự án tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu là 783 triệu euro, nhưng đến nay dự án đã phải điều chỉnh lên 1.176 triệu euro (tăng gần 400 triệu euro). Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau nhiều năm triển khai đã bị đội vốn hơn 315 triệu USD, tăng gần 1,6 lần so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Tại TP HCM, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2007 là hơn 17.387 tỷ đồng, sau đó đến tháng 9/2011 điều chỉnh tăng lên 47.325,2 tỷ đồng (tăng gần 30.000 tỷ đồng).

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP