KINH TẾ

Thật giả đặc sản khô Cá Dứa một nắng

  • Tác giả : Thiên Bảo
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khô cá Dứa giả, bị tẩy trắng và dùng nhiều chất bảo quản. Những loại này vô cùng có hại đến sức khỏe.

Cá Dứa có tên khoa học là Pangasius kunyit, là loài cá thuộc họ cá Tra, dân gian thường gọi chúng với cái tên là cá Tra Bần. Cá Dứa được phân bố rộng khắp khu vực châu Á, đặc biệt là tại lưu vực sông Mê Kông hoặc vùng nước lợ, ngoài ra chúng cũng có thể sống được trong môi trường nước ngọt.

Thật và giả khô cá Dứa một nắng

Cá Dứa có thịt ngọt, mình chắc, béo ngậy, phảng phất thơm mùi dứa nhưng không hề bị tanh. Chúng cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho con người như các loại chất béo có lợi, Omega 3, các vitamin A, vitamin D và vitamin E,...

Theo các thương lái, cá Dứa là đặc sản tự nhiên nên giá bán cao, cung không đủ cầu. Nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được bởi chúng rất hiếm. Vì vậy, ngày nay, cá Dứa đã được nhân giống và nuôi phổ biến, có giá rẻ hơn nhiều so với cá tự nhiên.

Khô cá Dứa một nắng

Khô cá Dứa một nắng

Chị Nguyễn Thị Xuân Thủy, đầu mối chuyên bán hải sản ở huyện Cần Giờ (TP HCM) cho biết, hiện cá Dứa tự nhiên hàng tươi được bán với giá 400.000 - 500.000 đồng/kg, khô cá Dứa tự nhiên một nắng có giá từ 450.000 - 700.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.

Với loại cá Dứa nuôi, hàng tươi có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, khô cá Dứa nuôi một nắng có giá từ 300.000 – 320.000 đồng/kg.

“Cũng chính vì giá cao mà hiện có khá nhiều cửa hàng bán hải sản, khô cá Dứa giả và thật được bày biện kế nhau, nếu không nói là được trộn lẫn nhằm lập lờ đánh lận con đen. Những người mua sành ăn nhiều khi còn bị mua hớ, đừng nói đến những người khách mua làm quà biếu người thân”, chị Xuân Thủy chia sẻ.

Anh Lê Thanh Hải, một đầu mối có nhiều năm kinh nghiệm bán các loại cá ở TP HCM cũng chia sẻ, do cá Dứa thuộc họ cá Tra nên hình dạng bên ngoài của chúng rất giống với cá Tra, cá Ba sa, khiến nhiều người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.

“Hiện khô cá Tra một nắng có giá từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, trong khi giá cá Dứa đắt gấp 2 - 3 lần, nên tỷ lệ làm giả chiếm từ 80% - 90%. Có nghĩa là cứ 10 con khô Dứa được bày bán trên các sạp “đặc sản”, có từ 8 đến 9 con là giả Dứa. Người mua lầm, chứ người bán không bao giờ lầm”, anh Thanh Hải cho hay.

Chị Bùi Thị Thúy ở quận 7, TP HCM chia sẻ thêm, vừa rồi chị ghé cửa hàng bán “đặc sản” ở gần nhà, thấy khô cá Dứa được niêm yết giảm giá 180.000 đồng/kg.

“Thấy giá quá rẻ so với siêu thị nên tôi mua liền mấy ký đem về biếu bố mẹ, anh chị trong nhà nhưng sau đó phải buồn hiu khi nghe người thân chê bai khô cá Dứa gì mà ăn quá tệ”, chị Thúy nói.

Tránh mất tiền “oan”

Theo anh Lê Thanh Hải, để phân biệt cá Dứa với cá Tra và cá Ba sa, người tiêu dùng cần chú ý một số đặc điểm, hình dạng của chúng. Trước tiên, hãy quan sát kỹ phần mỡ dưới da của con cá. Khi thấy một lớp mỡ màu trắng, rất mỏng thì đó chính là cá Dứa. Còn đối với cá Tra, lớp mỡ này dày hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cũng cần kiểm tra một đặc điểm khác nữa chính là phần lưng của cá. Với cá Dứa một nắng, trên lưng miếng cá khô có chỉ màu đen, phần thịt cá xung quanh hơi trắng hồng. Hơn thế, vây cá Dứa nhỏ và cũng có màu ánh hồng. Điều này rất dễ phân biệt với cá Tra, khi chúng không có chỉ lưng. Vây của cá Tra cũng to hơn rất nhiều, đặc biệt là lớp vây này có màu đen.

Khô cá Dứa một nắng thật có chỉ màu đen ở sống lưng.

Khô cá Dứa một nắng thật có chỉ màu đen ở sống lưng.

Chị Nguyễn Thị Xuân Thủy - đầu mối chuyên bán hải sản ở huyện Cần Giờ (TP HCM) cho biết thêm, cá Dứa thường có màu trắng bạc hoặc màu vàng nhạt, trong khi cá Tra thường có màu hồng đến màu hồng cam. Vì vậy, hầu hết các khô cá Dứa giả đều bị tẩy trắng bằng hóa chất.

Loại hóa chất này có tên là Sodium hydrosulfite dùng để tẩy trắng cho đường, với hàm lượng cực nhỏ. Hóa chất này cũng được sử dụng chính trong ngành dệt, nhuộm, tẩy trắng đất sét, cao lanh cũng như bột giấy.

Chưa hết, người buôn bán gian dối còn dùng cả một số chất tẩy trắng có chứa oxy già hòa tan nhanh chóng trong nước để làm trắng khô cá Dứa giả và các loại hải sản khác như mực, tôm… Đây là những loại hóa chất công nghiệp có hại đến sức khỏe mà các cơ quan chức năng đã từng khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng khi chế biến thực phẩm.

“Ngoài ra, khi chế biến cá Dứa, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chúng có rất ít xương, chỉ cần lọc bỏ xương sống là được, đồng thời không hề có hoặc có rất ít mỡ dưới da. Trong khi đó, cá Tra có nhiều xương hơn, thớ thịt nhỏ, bụng nhiều mỡ và ăn không ngọt như cá Dứa. Đặc biệt, khô cá Dứa một nắng mà có giá dưới 300.000 đồng/kg thì người tiêu dùng nên thận trọng về nguồn gốc”, chị Xuân Thủy nói.

Thiên Bảo

BẢN DESKTOP