Thời sự

Thanh Xuân (Hà Nội): Diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

  • Tác giả : Thúy Nga
Toàn Châu Á đang “thiếu hụt” tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới. TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023 tỷ số giới tính khi sinh là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ngày 6/10, hưởng ứng ngày Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10/2023, Chi Cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với quận Thanh Xuân tổ chức mít tinh, diễu hành để lan tỏa thông điệp “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” để mọi người dân biết và thực hiện.

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm nêu cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Hà Nội: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

Hà Nội: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

Kỷ niệm 12 năm ngày Quốc tế trẻ em gái, năm nay Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Hiện nay, toàn Châu Á đang ‘thiếu hụt’ tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng sự thật là thách thức này rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên.

Tỷ số giới tính khi sinh của cả nước đã tăng từ 106.2 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2000 lên 113.7 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2022 và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng.

Bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội

Bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022 tỉ số giới tính khi sinh của Thành phố là 110,8 trẻ trai/100 trẻ gái, 9 tháng đầu năm 2023, tỉ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỉ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.

Phát biểu tại điểm truyền thông, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cho biết: Cùng với Thủ đô Hà Nội, trong những năm qua, quận Thanh Xuân luôn coi trọng công tác dân số và phát triển.

Hiện nay, mức sinh trên địa bàn quận được ổn định, tỉ lệ sinh con thứ 3 được kiểm soát, chất lượng dân số từng bước được nâng cao, tỉ số giới tính khi sinh trong 10 năm trở lại đây đã giảm mạnh (từ 114,3 bé trai/100 bé gái năm 2011, giảm xuống còn 103,6 bé trai/100 bé gái (năm 2022). 9 tháng đầu năm 2023, tỉ số giới tính là 104,6 bé trai/100 bé gái.

Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân

Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân

Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, quận Thanh Xuân đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số; các hoạt động nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi hôn nhân tại phường Khương Trung, Khương Mai, Thượng Đình; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại phường Khương Đình, Kim Giang...

Hàng năm, quận tổ chức hàng trăm buổi truyền thông về kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới và giới tính, bình đẳng giới, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, giáo dục kỹ năng sống... cho học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Quận tổ chức biểu dương trẻ em gái tiêu biểu, chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận trong các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, tổ chức các điểm tuyên truyền, cổ động; đồng thời phát tờ rơi tuyên truyền đến hộ gia đình về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, quận Thanh Xuân vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Tình trạng tăng dân số cơ học vẫn có xu hướng tăng cao, trong khi cơ sở hạ tầng của quận đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mức sinh đã giảm đáng kể nhưng chưa vững chắc, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn, do tâm lý một số gia đình muốn có nhiều con và thích có con trai, đặc biệt ở các gia đình có điều kiện kinh tế đang là nguy cơ dẫn đến khả năng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Hà Nội: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

Hà Nội: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

Thông qua chương trình truyền thông này, ngành dân số quận Thanh Xuân mong muốn nhận được sự tham gia tích cực của cả cộng đồng cùng chung tay để giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, bà Nguyễn Minh Xuân nhấn mạnh: hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có tác động rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Hà Nội: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

Hà Nội: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái

Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Thành phố giai đoạn 2016 - 2025, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa tỉ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái, sau năm 2025 đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP