KINH TẾ

Thành phố lớn bị "bêu tên" thiếu công khai ngân sách

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vừa công bố Kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018. Kết quả cho thấy hầu hết thành phố trực thuộc trung ương thuộc nhóm công khai chưa đầy đủ hoặc công khai ít.

Hà Nội, TPHCM ở mức trung bình thấp

POBI phản ánh mức độ công khai ngân sách tỉnh trên toàn quốc, là công cụ đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật ngân sách nhà nước năm 2015.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu khảo sát cho biết, năm 2018, mức độ công khai năm 2018 đã được cải thiện so với năm 2017 với chỉ số trung bình là 51/100 điểm (năm 2017 là 30,4 điểm). Có 6 tỉnh trong nhóm công khai "đầy đủ" thông tin (nhóm A) về ngân sách nhà nước và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Trong khi đó, năm 2017 có 4 tỉnh có điểm số POBI bằng 0 và không có tỉnh nào công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh. Dự thảo dự toán trình HĐND tỉnh là tài liệu có sự thay đổi lớn nhất với 47 tỉnh (74,6%) có công khai tài liệu này.

Trong khi ấy, năm 2017, số lượng địa phương công khai chỉ là 27 tỉnh (42,9%). Ngoài ra, với tài liệu khác như báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý 3, có 46 địa phương (73%) đã thực hiện công khai trong khi năm 2017 là 28 địa phương (44,4%). Điều này cho thấy các tỉnh đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh.

Trong 6 tỉnh xếp vào nhóm A, Vĩnh Long xếp đầu tiên với 90,52 điểm, tiếp đến là Bà Rịa Vũng Tàu (85.91 điểm), Đà Nẵng (83.09 điểm), Vĩnh Phúc (82.05 điểm),... Nhóm công khai tương đối bao gồm 21 tỉnh, đứng đầu là các tỉnh như Trà Vinh (74,88 điểm), Cao Bằng (74,6 điểm), An Giang (73,86 điểm), Hải Dương (73,85 điểm) và Tây Ninh (70,02 điểm).

Hà Nội, TP.HCM - những thành phố có mức chi tiêu ngân sách “khủng” hàng năm lại nằm trong nhóm công khai chưa đầy đủ. Đặc biệt, Hải Phòng, thành phố trực thuộc trung ương nhưng lại xếp hạng cuối cùng với chỉ 5,14/100 điểm.

Trao đổi bên lề hội thảo "Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI) 2018", PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh và Chính sách (VEPR) cho biết, các thành phố trực thuộc trung ương có những động thái rất khác. Trong khi Đà Nẵng có tính ổn định cao ở mức tuân thủ và tính minh bạch, thì Hà Nội, TP.HCM ở mức trung bình thấp. Năm ngoái, Hải Phòng chỉ đạt 0 điểm, “không công bố một chút nào hết”, không theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai minh bạch các tài liệu liên quan đến ngân sách Nhà nước trên các phương tiện của tỉnh.

Đến năm nay, Hải Phòng cũng chỉ cải thiện 1 chút, lên mức 5 điểm, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong 63 tỉnh thành. “Đó là hiện tượng đáng lưu ý đối với các tỉnh thành có tính đầu tàu trong cả nước”, ông Thành nhấn mạnh. Trong khi đó, một số các tỉnh khác không phải lớn nhưng tính tuân thủ và tính thực hiện lại rất cao cũng như có sự thay đổi lớn như Kon Tum hay Hậu Giang. Kết quả khảo sát POBI 2018 về mức độ tham gia của người dân cũng cho thấy, nhìn chung, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách. Chỉ dưới 10% các tỉnh có sự tương tác của người dân.

Bị chê

Nhận xét về Kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI), ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách Quốc Hội cho biết, nội dung công khai ngân sách của một số tỉnh còn sơ sài. Tuy nhiên, quá trình đánh giá kết quả chỉ số POBI cũng còn một số hạn chế. Thứ nhất, các nội dung nhóm nghiên cứu thu thập căn cứ theo các biểu mẫu của thông tư 33. Tuy nhiên, thực tế, nhiều nội dung ngân sách phân cấp cho các tỉnh địa phương. Do vậy, có chỉ tiêu thể hiện ngân sách cấp tỉnh, cấp xã, có chỉ tiêu ở ngân sách Trung ương. Vì vậy, nghiên cứu phải xem xét tính đầy đủ, tính toàn diện của biểu mẫu trên toàn hệ thống để tránh thiếu thực tế.

Thứ hai, trong 63 tỉnh, thành phố có 16 tỉnh thành tự cân đối ngân sách có cơ chế tài chính đặc thù thì tiêu chí khác với các tỉnh thành khác. Do đó nếu chấm điểm, bảo chỉ tiêu này chỉ tiêu kia thiếu tính minh bạch thấp thì không hợp lý. Bởi lẽ, các tỉnh có thu chi ngân sách lớn, Nhà nước quản lý rất chặt, hàng năm đều tiến hành kiểm toán nhà nước. Do vậy, buộc các tỉnh này phải thực hiện tốt thu chi ngân sách, minh bạch. Tuy nhiên nghiên cứu chưa phân tách ra được sự khác biệt giữa các nhóm tỉnh thành có đặc thù riêng nói trên.

Thứ ba, phân tích chỉ số POBI hợp lý, nhưng phải nhìn bản chất và xem xét trong bối cảnh. Ví dụ trong năm 2018 có nhiều chương trình, chính sách thay đổi. Quá trình giao vốn rất chậm, nhiều địa phương rà soát đến tháng 5, tháng 6 mới được giao vốn. Giao vốn chậm, không xác định được nghiệp vụ thì chưa thể có số liệu công khai được, đó là một đặc điểm. Liên quan đến đầu tư công gồm có: danh mục các dự án đầu tư của nhà nước và kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, từ suốt năm 2018 đến bây giờ vẫn đang rà soát, chỉnh lý các dự án để chống đầu tư dàn trải, phân tán... cho nên chưa xác định rõ việc thì kinh phí phân bổ chưa có (không thể hiện trên báo cáo – PV). Do vậy, những yếu tố thay đổi mang tính khác biệt trong từng năm chi phối rất nhiều đến kết quả nghiên cứu.

Ủng hộ nghiên cứu chỉ số POBI 2018, bà Đinh Mai Anh, Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Sở tài chính các địa phương mở chuyên mục công khai ngân sách trên trang web của Sở. Đồng thời Bộ Tài chính cũng đang xây dựng một ứng dụng công khai ngân sách, cho phép kết nối thông tin từ cổng thông tin điện tử của các Bộ, các địa phương về Bộ Tài chính, để giám sát công khai. Đồng thời kết nối toàn bộ kho dữ liệu của các địa phương về Bộ. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào muốn lấy thông tin về công khai ngân sách của tỉnh, hay của Bộ nào đều có thể xem ngay trên trang web của Bộ Tài chính.

Năm 2018 là năm thứ hai tiến hành xếp hạng công khai ngân sách tỉnh, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tài khóa, đánh giá mức độ công khai minh bạch về ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị tại địa phương, thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, theo băn khoăn của ông Nguyễn Minh Tân, hiện việc công bố chỉ số POBI mới chỉ dừng ở mức tạo dư luận, hướng dẫn cách làm cho các tỉnh, chứ chưa có chế tài. Các chỉ tiêu đánh giá chấm điểm cần chính xác, khách quan hơn nữa để các địa phương tâm phục khẩu phục.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP