Môi trường

Thanh Hóa: Nỗ lực đẩy lùi rác thải nhựa trong ngành y tế

  • Tác giả : Lương Thụy Bình
(khoahocdoisong.vn) - Trung bình mỗi ngày, hệ thống cơ sở y tế tại tỉnh Thanh Hóa phát sinh khoảng 1,5 tấn chất thải nguy hại, cùng với đó là nước thải y tế độc hại. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ rác thải y tế

Hiện nay, chất thải nhựa đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành, Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch, yêu cầu 100% các cơ sở trong ngành Y tế (cả công lập và ngoài công lập) tổ chức thực hiện cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa”, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sức khỏe cộng đồng và an toàn vệ sinh môi trường. Thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định; tổ chức quán triệt, tuyên truyền các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa rộng rãi trong cán bộ, nhân viên ngành y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện. Các đơn vị hạn chế sử dụng trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế như túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng…

Khu vực phân loại, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Khu vực phân loại, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Theo Sở Y tế Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 bệnh viện công lập và ngoài công lập, trên 800 cơ sở y tế tư nhân, với tổng số gần 13.000 giường bệnh, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 1,5 tấn chất thải nguy hại. Cùng với đó, nước thải của các cơ sở y tế có chứa vi sinh vật gây bệnh, kháng sinh, hóa chất độc hại... tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã được đầu tư thêm 7 cụm xử lý rác y tế bằng công nghệ không đốt, rác thải sẽ được thu gom và xử lý bằng công nghệ nghiền cắt và tiệt trùng lò vi sóng hoặc hấp ướt liên hoàn; 3 hệ thống xử lý nội bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước và Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa. Hệ thống xử lý chất thải y tế trên địa bàn đang phát huy hiệu quả, góp phần quản lý chất thải rắn, cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, kiểm soát được lây nhiễm, an toàn nghề nghiệp cho các y, bác sĩ và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nói không với túi nilon và rác thải nhựa

Những năm qua, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa luôn nỗ lực nâng cao ý thức thu gom rác thải nhựa một cách khoa học, giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc lan tỏa thông điệp “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa” đến với mọi người luôn được Bệnh viện chú trọng, quan tâm. Do đó, nhằm kiểm soát sự gia tăng của rác thải nhựa, Bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như ngừng cấp phát thuốc cho bệnh nhân bằng túi nilon, không sử dụng chai nhựa, phân nguồn rác thải tại chỗ... Tại các hành lang, Bệnh viện đã lắp đặt máy lọc nước miễn phí, an toàn và hợp vệ sinh. Điều này không những giúp bệnh nhân và người nhà tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại, mà còn giảm đáng kể lượng chai nước bằng nhựa thải ra.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng yêu cầu các phòng, khoa không sử dụng các đồ dùng nhựa một lần; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, chống rác thải nhựa; phối hợp với đoàn viên thanh niên của phường, thành phố tiến hành dọn vệ sinh môi trường...

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện thường xuyên tiến hành khử trùng tiêu độc, trong đó chú trọng việc thu gom kịp thời và đúng quy định nguồn rác thải y tế, rác thải nhựa, tránh việc phát sinh dịch bệnh. Sau đó, toàn bộ rác thải được vận chuyển đến khu vực xử lý riêng.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 190kg – 200kg/ngày. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, chất thải y tế nguy hại được phân loại ngay khi phát sinh theo đúng quy định của Bộ Y tế và được hộ lý thu gom, nhân viên chuyên trách quản lý. Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng, đảm bảo khoảng cách an toàn. Tại đây, các nhân viên chuyên trách xử lý rác bằng hệ thống xử lý tiệt khuẩn nhiệt ma sát và công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt không phát sinh mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Riêng chất thải lỏng y tế sẽ được thu gom vào hệ thống thu gom chung của bệnh viện và xử lý tại trạm xử lý nước thải dạng hợp khối đúc sẵn công nghệ AAO tiên tiến của Kubota Nhật Bản. Sau khi nước thải xử lý và đảm bảo đạt tiêu chuẩn sẽ được đấu chung hòa vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố…

Lương Thụy Bình

BẢN DESKTOP