Môi trường

Thanh Hóa: Đầu tư hơn 14 tỷ đồng nạo vét lòng hồ thủy điện Cẩm Thủy 1

  • Tác giả : Lương Thụy Bình
(khoahocdoisong.vn) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn thải làm vật liệu san lấp, với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1.

Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1.

Theo đó, dự án được thi công nạo vét bằng thuyền bơm hút kết hợp vận tải bằng đường thuỷ dọc theo sông Mã về 3 khu vực tập kết, sàng rửa phân loại và xúc bốc bằng máy xúc lên ô tô đi tiêu thụ. 

Khu vực nạo vét gồm 4 khu vực với tổng diện tích 74ha, nằm trong vực lòng hồ và hạ lưu nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1, thuộc địa bàn các xã Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Thạch và Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Khu vực bãi tập kết là 3 khu vực với tổng diện tích 33ha, thuộc các xã Cẩm Lương, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Khối lượng vật liệu tận thu sau nạo vét gồm: Cát xây trát (cát đen) là 9.355m3; cát bê tông (cát vàng) là 29.400m3; cuội, sỏi là 28.064m3; bùn, sét tận thu làm vật liệu san lấp là 378.635m3.

Thời gian thực hiện trong 5 năm, trong đó thời gian nạo vét trong năm vào mùa khô từ ngày 15/10 năm trước đến ngày 15/5 năm sau. Thời gian nạo vét trong ngày là từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 14,6 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông chấp hành nghiêm phương án nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 và tận thu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, bùn thải làm vật liệu san lấp nêu trên; đảm bảo môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án; tuyệt đối không được lợi dụng việc nạo vét và tận thu vật liệu sau nạo vét để khai thác tại những vị trí không đúng theo phương án được duyệt.

Đồng thời, định kỳ 6 tháng, hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện phương án về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Lương Thụy Bình

BẢN DESKTOP