Đời sống

Thành công ở sự nghiệp dạy dỗ con cái

Thành công ở sự nghiệp dạy dỗ con cái, đ

Ông Lê Văn Côn (91 tuổi, ở ngõ 57, phố Láng Hạ, Hà Nội).

Nghèo cũng phải đầu tư cho con học

Ông kể, cuộc đời ông lắm gian nan, nhiều vất vả. Từng công tác tại Văn phòng tỉnh ủy Phúc Yên, sau về Bộ Nội thương, rồi chuyển sang Tổng cục đường sắt, ông về nghỉ hưu năm 1983.

Trong suốt cuộc đời công tác, điều khiến luôn ông tự hào là không bao giờ tham ô tham nhũng, vì ông nghĩ đó là những việc làm thất đức. Muốn gây dựng cho con cái thì tuyệt đối không được làm những điều thất đức.

Thế nên, dù nghèo, nhưng ngay từ khi con còn bé, ông đã xác định phải đầu tư cho con học hành đến nơi đến chốn.

6 người con đều được ông kèm cặp, theo sát từng bước, thầy cô nào của con ông cũng biết. Nhà chật đến đâu cũng phải ưu tiên 6 góc học tập cho các con.

Bữa ăn dù chỉ có ngô bung, thì bao giờ cũng ưu tiên hớt phần bọt phía trên có nhiều chất bổ nhất cho con nào học hành vất vả. Thiếu thốn đến đâu vẫn phải mua đủ sách vở cho con, trong nhà lúc nào cũng có hàng tập Toán học và tuổi trẻ.

Lúc đó cũng nhiều nhà có điều kiện tìm thầy giỏi, sách hay, đầu tư cho con học. Với ông, nhà nghèo, chỉ có cách bỏ công bỏ sức, bỏ thời gian chăm lo, động viên cho con học hành đến nơi đến chốn.

Trước tiên là phải tùy theo năng lực, sở thích của từng người để chọn trường, chọn lớp cho phù hợp. Con gái lớn giỏi sinh học thì ông hướng cho học ngành y. Các con khác, người thì theo ngành Thương nghiệp, Sư phạm, Bách khoa, con trai út thì học Xây dựng.

Con trai thứ hai đặc biệt giỏi toán, ông không quản khó khăn tìm lớp, tìm thầy cho con học, rồi tự ông bồi dưỡng tiếng Nga để con theo kịp các bạn vào được lớp chuyên toán Trường Trưng Vương, rồi sau vào chuyên toán Sư phạm.

Thương vợ, mọi việc đều làm tất

Vợ ông cũng là cán bộ, gia đình bà trước đây khá giả, nên thương vợ, không muốn bà vất vả, mọi việc ông đều làm tất. Đến nỗi bạn bè trong cơ quan bà vẫn nhắc, nhà ông là vợ đẻ, chồng nuôi. Sáng phải đi làm, mà 3h đêm ông đã dậy đi vớt cá dầu về làm thức ăn cho các con.

Rồi khi các con theo trường đi sơ tán khắp nơi, lại ông tuần nào cũng lặn lội đi thăm con. Khi con học đội tuyển đi thi quốc tế, tối ông còn đạp xe vào tận trường sư phạm đưa cho con gói lương khô mà cả nhà dành dụm để con ăn sáng.

Đến nơi 8 rưỡi, trời tối om, con đang giải nốt bài hình, ông lại đứng ngoài đợi con học xong. Có lúc ở nhà mua tem phiếu được cái chân giò, là lọc phần thịt ra làm ruốc gửi vào cho con bồi dưỡng, còn cả nhà ăn xương.

Khổ thế nhưng các con đều học giỏi nên ông chẳng bao giờ thấy mình khổ. Chỉ nghĩ đến điểm, đến thành tích của các con để tự hào. Những bài toán con có cách giải hay, những thành tích của con ông đều giữ lại như những báu vật. Ông kể về con với lòng đầy tự hào.

Giờ các con ai cũng giỏi giang thành đạt, có điều kiện để phụng dưỡng bố mẹ. Ông bảo, sung sướng nhất đời là có con làm bác sĩ, đi khám bệnh không phải lo gì cả. Con cháu hiếu thảo, biết thương nhau, lo cho nhau, là hồng phúc của gia đình.

Đến cả chỗ nằm xuống sau này các con cũng đã mua cho khu đất trên công viên Vĩnh Hằng, đẹp đẽ, thoáng mát, ông vừa ý lắm.

Chỉ có điều từ năm ngoái đến nay, bà bị bệnh, đi lại khó khăn, nên ông phải ở bên bà 24/24h. Và một điều khiến ông còn băn khoăn, đó là đất của ông cha ở quê đã chia hết cho con cháu rồi, nên giờ chỉ mong xây được từ đường cho các cụ mà chưa làm được. Các con tuy hiếu thảo, lo cho bố mẹ chu đáo nhưng vẫn chưa nghĩ sâu xa đến những việc đó.

Nghe chuyện của ông, tôi chợt nghĩ, nếu có danh hiệu người cha nhân dân, thì ông Lê Văn Côn hoàn toàn xứng đáng được phong tặng.

Minh Châu

BẢN DESKTOP