Dọc đường

Thăng Long đệ nhất kéo

Từ xa xưa, cái danh hiệu đệ nhất kéo của đất kinh thành xưa đã thuộc về làng Kim Liên. Sau cả nghìn năm hành nghề cắt tóc, thì giờ đây thứ nghề ấy đã trở thành truyền thống mà dù bao nhiêu biến cố cũng không mảy may làm suy suyển được.

Tôi đã nghe về danh hiệu đệ nhất kéo của làng Kim Liên, phường Phương Liên (Đống Đa – Hà Nội) từ lâu lắm rồi. Chuyện được kể từ chính những người thợ cắt tóc đang “vít đầu vít cổ” cho mình, nhưng mấy ai nghĩ đấy là thật mà ngỡ tưởng họ lấy câu chuyện làm quà giải khuây cho khách đương lúc rặm rạp tóc rơi.

Với những đồ nghề đơn giản, nhưng thợ tóc Kim Liên lại cắt rất đẹp.

Nhưng mà sau một lần lễ đình Kim Liên, kẻ thị dân mới vỡ lẽ ra nhiều điều có thật. Rằng, trong đình ấy còn thờ vị tổ nghề tóc của làng, và rồi càng đi sâu vào một đời sống với cái lõi rất thanh bình trong một cái vỏ sầm uất của phố làng thì bao nhiêu chuyện thật từ cả ngàn năm kia mới như hiện về soi tỏ cho kẻ khách lạ vỡ vạc ra hết những tường tận lạ lùng.

Cả làng cắt tóc

Hà Nội băm sáu phố phường nổi tiếng với các nghề thủ công, nhưng mà tính chất độc lạ và rất đỗi thường tình dường như lại thiếu. May thay, ở ngoại ô xưa có làng Kim Liên với nghề cắt tóc như là một lát cắt lạ bổ khuyết cho bức tranh nghề đất đô thành.

Chuyện cả làng Kim Liên làm nghề cắt tóc đâu phải là bịa đặt hay nói cho vui. Tất nhiên, đấy là chuyện của thời xưa, thảng hoặc cách nay vài chục năm đều là thật cả. Từ cụ già, trung niên cho đến thanh niên đều biết đến nghề này và tung hoành khắp nơi cắt tóc cho thiên hạ.

Những người thợ cắt tóc Kim Liên rất tự hào với nghề.

Nếu ai không tin, thì này đây câu vè tự trào: “Giang san một tráo, gương, lược, dao/Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/Giàu thánh tướng ai ta cũng mặc/Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào” cho truyền thống có thật. Rồi còn: “Làm thân con gái chẳng biết lo/Thợ tóc không lấy, lấy học trò/Kéo lớn, kéo con dăm bảy bộ/Còn hơn kinh sử dăm bảy kho”. Đấy, ai bảo chữ nghĩa hay hơn tay chân, nên mỗi nghề đều có cái tự hào riêng để mà đem bì với thiên hạ.

“Tháng 3 âm lịch hàng năm, tại hội đình – đền Kim Liên lại có hội thi cắt tóc. Đó không chỉ là cơ hội để trổ tài khéo tay và óc thẩm mỹ mà còn là cơ hội giao lưu, giáo dục cho thế hệ trẻ về sử làng, sử nghề và tôn vinh nghề làm đẹp. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành việc lập hồ sơ phong nghệ nhân tôn vinh những người thợ tài hoa và tâm huyết” – ông Phạm Gia Ngọc, cán bộ phụ trách văn hóa phường Kim Liên

Sau những câu chuyện lúc từ quá khứ, lúc từ hiện tại mà ông Phạm Gia Ngọc, cán bộ văn hóa phường Phương Liên cũng phải gật đầu khẳng định cái câu cả làng cắt tóc là đúng. Cái chứng cớ rõ nhất mà ông Ngọc từng chứng kiến, ấy là chỉ cách đây vài chục năm thôi, bao nhiêu người trong làng vào Nam ra Bắc làm nghề.

Và cũng bao nhiêu khách đầu đầy tóc chỉ cần nhắc tới thợ cắt làng Kim Liên là cũng đủ gật gù yên tâm cho một mái đầu xanh hay đã điểm bạc sẽ là hợp nhất, đẹp nhất cho mình. Tất nhiên, cũng vì cái tín thác ấy của khách mà không ít thợ ngoại làng vỗ ngực mạo nhận mình người Kim Liên.

Nghề nào cũng vậy, cứ tre già măng mọc. Nghề tóc truyền thống làng Kim Liên được duy trì theo cách cha truyền con nối. Không biết cách truyền nghề nơi ấy ra sao, nhưng hình như cái khéo tay và óc thẩm mỹ của người Kim Liên là có sẵn. Trẻ thì nhìn cha cắt tóc, rồi lớn lên cũng chẳng hề run rẩy khi cầm cây kéo mà vít cổ thiên hạ.

“Không có một con số chính xác người Kim Liên làm nghề, nhưng chỉ tính số thợ hiện tại đang hành nghề trong làng cũng dăm chục người. Tất nhiên, nếu tính cả số người đi cắt tóc các nơi khác thì cũng phải vài trăm thợ chứ không ít”, ông Ngọc cho hay.

Tả Ao là tổ nghề tóc

Đình Kim Liên là một trong tứ trấn Thăng Long, đình thờ Cao Sơn Đại Vương làm thành hoàng làng, nhưng ít người biết còn cụ Tả Ao, một nhà địa lý lỗi lạc của nước Nam ta cũng được tôn thờ. Tất nhiên, vị trí của cụ có khác, không phải thành hoàng mà là tổ nghề cắt tóc.

Hội thi cắt tóc làng Kim Liên.

Không có tài liệu nào chứng minh cụ Tả Ao biết nghề cắt tóc cả. Nhưng mà, cụ lại có công đáp ứng yêu cầu của các bô lão trong làng là làm sao có thể “đè đầu, vít cổ” thiên hạ. Sau khi xem thế đất, đặt hướng đình cùng với lời chú cao siêu của bậc tích đức tầm long, thì quả thực làng Kim Liên đã phát nghề cắt tóc.

Có lẽ từ đây, ở làng có thêm câu ca: “Kim Liên xanh vỏ đỏ lòng/Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”. Ngẫm ra cũng thật hài hòa, về văn hóa với danh lam cổ tích thì Kim Liên chẳng thua kém làng nào, tự cái tên làng đã toát thơm vẻ ngát hương của bông sen vàng thuần khiết, quý phái. Lại còn thêm được một thứ nghề để mưu sinh thì quả thực, văn hóa cùng tiền bạc đủ cả.

Chuyện làm nghề

Theo ông Phạm Gia Ngọc, thì người làng Kim Liên đi mở hiệu cắt tóc ở các nơi khác nhiều lắm. Nhưng dẫu họ có đi đâu, thì cũng dễ để nhận ra là người làng đệ nhất kéo. Cái tài tình, khéo tay, cái hồn cốt của nghề như đã thấm vào họ để bộc phát ra qua thần thái ứng với câu “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Anh Phạm Duy Hào ngoài những thành công về nghề, anh còn đào tạo miễn phí cho các bạn trẻ khó khăn.

Chúng tôi rẽ vào một hiệu cắt tóc nằm trên con phố Kim Hoa, hiệu của anh Nguyễn Đức Dũng, người từng gặt hái được nhiều giải thưởng. Tuy là thợ tóc, nhưng anh không để kiểu tóc nào cho hợp thời trang. Tóc đã bạc gần hết, anh cho đồng nghiệp cạo đi.

Anh Dũng bảo, đến anh là đời thứ tư làm nghề. Anh học nghề từ bố, bố học nghề từ ông nội. Đến giờ, anh đã trọn vẹn với nghề 20 năm và nghề cắt tóc, thực sự nuôi sống anh và gia đình. “Nghề là cái nghiệp, sinh ra ở làng truyền thống nhưng không đam mê thì cũng không theo được nghề đâu. Đối xử tốt với nghề, nghề sẽ không bạc đãi”, anh Dũng triết lý.

Còn anh Phạm Duy Hào lại có một cửa hiệu lớn và khá sang trọng. Anh cũng là đời thứ tư làm nghề. Trước, anh có mở vài ba cửa hiệu, nhưng khi nghề đã chín thì anh rút lại còn một cửa hiệu duy nhất ở Kim Liên.

Cũng là người gặt hái được nhiều thành công nhờ đôi bàn tay vàng, nhưng anh không dừng lại ở đó. “Tôi hướng đến việc đào tạo nghề cho người khác, đặc biệt các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và các bạn trẻ đam mê nhưng không có việc làm. Khi có công ăn việc làm, thì các bạn sẽ bớt khổ và xã hội sẽ bớt được tệ nạn”, anh Hào cho biết.

Cụ của anh Hào, nghệ nhân Phạm Đức Hiền xưa cũng là một thợ cắt tóc nổi tiếng kinh thành. Còn một chuyện mà ít người biết, thợ làng Kim Liên còn phụ trách việc cắt tóc cho các vua quan triều đình mà các dòng họ như Phạm, Nguyễn, Trịnh, Trần, Đinh, Lê, Bùi, Đào đã trở thành thương hiệu.

Nay, dòng họ Giang còn phụ trách việc cắt tóc cho các lãnh đạo cấp cao. Nói như ông Ngọc, thì nghề cắt tóc không đơn giản chỉ là cắt cho gọn tóc, mà “cái răng cái tóc là góc con người”, nghề cắt tóc truyền thống thực sự là một nghề cao quý, làm đẹp cho người và cho cả xã hội.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP