Khám phá

Thân Văn Nhiếp – vị quan cương trực – kỳ 2: Đánh giặc bằng vườn không nhà trống

nh giặc bằng vườn không nhà trống là chiến lược của Thân Văn Nhiếp trong trận chiến với quân Pháp. Ông đã biết kết hợp chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu chống giặc với sự an dân.

Nguyễn Tri Phương.

Đánh giặc bằng vườn không nhà trống

Tháng 10/1858, triều đình cử Nguyễn Tri Phương vào làm tổng thống quân vụ. Thân Văn Nhiếp hết sức hợp tác với Nguyễn Tri Phương phục vụ chiến đấu.

Trong công việc, Thân Văn Nhiếp biết kết hợp chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu chống giặc ở mặt trận Đà Nẵng với sự an dân, ổn định tình hình hậu phương các huyện trong tỉnh. Nhân dân Quảng Nam mặc dù vừa trải qua mấy năm đói kém, bây giờ đã có đủ ăn và dành đủ lương thực để cung cấp cho quân lính của triều đình vừa gửi đến.

Về chiến lược chiến thuật quân sự, Thân Văn Nhiếp đã vận dụng những bài học đánh giặc ngoại xâm của dân tộc. Ông đã vận động nhân dân làm vườn không nhà trống, sơ tán dân các làng ven biển Hòa Vang để cô lập triệt nguồn tiếp tế lương thực của địch.

Làm chướng ngại vật ngăn đường sông, dùng xích sắt thả ngầm dưới nước ở cửa Đại Chiêm (nay là Cửa Đại), triệt đường biển không cho quân Pháp tiến vào thành Quảng Nam. Khắp mọi nơi các đội dân quân được thành lập để đánh địch theo quy mô nhỏ, tiêu hao sinh lực địch.

Về mặt an ninh chính trị, Thân Văn Nhiếp đề phòng tính tả khuynh và ông đã giải quyết việc này một cách triệt để. Đô đốc Genouilly đã thất vọng nói rằng: “Người ta (tức là các giáo sĩ Pháp) báo cáo rằng dân chúng sẽ hưởng ứng chúng ta, nhưng sự thật trái hẳn lại. Chúng ta không có chút thiện cảm nào của người dân”.

Sau 5 tháng tấn công, quân Pháp đã không tiến thêm được một bước nào. Trong thư gửi về Pháp, Đô đốc De Genouilly đã thú nhận: Chúng ta đang nhanh chóng trượt dốc đến kiệt quệ và đến lúc phải bất động tại Đà Nẵng.

Gian nan kháng chiến

Không đánh được Đà Nẵng, quân Pháp chuyển hướng chiến tranh vào Nam bộ, nơi có nhiều sông ngòi để chúng có thể phát huy ưu thế hải quân. Ngay từ đầu, chúng dùng đại bác bắn phá các đồn lũy của ta và chỉ trong 7 ngày, thành Gia Định thất thủ.

Cũng như ở Đà Nẵng, nhân dân Gia Định tiêu thổ kháng chiến, bất hợp tác với giặc. Nghĩa quân được nhân dân ủng hộ. Tháng 8 năm 1860, Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế cử làm Tổng thống quân vụ thay cho Tôn Thất Cáp, một người chủ hòa đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có khi quân Pháp rút phần lớn lực lượng sang Trung Quốc, chỉ còn để lại khoảng một ngàn quân giữ thành Gia Định.

Đến Gia Định, Nguyễn Tri Phương áp dụng chiến dịch phòng thủ, tăng cường hệ thống đồn lũy kiên cố để chống giặc. Quân giặc sau khi thắng trận ở Trung Quốc, tập trung lực lượng về đánh chiếm Nam bộ, ngày 23/2/1861, Pháp bắn đại bác công phá Đại Đồn.

Sau 2 ngày chiến đấu quyết liệt, Nguyễn Tri Phương bị thương, Đại Đồn bị thất thủ, quân triều đình phải rút về Biên Hòa. Tháng 4/1861, triều đình cử Thân Văn nhiếp vào làm Hiệp tán quân thứ Biên Hòa.

Trong khi Khâm sai Đại thần Nguyễn Bá Nghi là một người chủ hòa, cuộc cầm quân của Thân Văn Nhiếp lúc này gặp rất nhiều khó khăn. Khi bàn bạc công việc, hai ông thường trái ý nhau.

Thân Văn Nhiếp chủ động dùng lực lượng của mình chặn đường tiến quân của địch. Ông đóng quân riêng ở núi Long Ẩn, chặn đường bộ không cho địch tiến quân, mặt khác tiến quân đánh chiếm lại Bình An, Thủ Dầu Một, không cho quân Pháp tiến đến Biên Hòa qua đất Đồng Bản.

Cho đến khi Pháp phá được chướng ngại vật ở khúc sông Phúc Giang, đưa tàu chiến vượt sông Đồng Nai thì Biên Hòa mới thất thủ.

(còn nữa)

Tuấn Trịnh

BẢN DESKTOP