Khám phá

Thân Nhân Trung và câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”

Thân Nhân Trung và câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”

Hình minh họa.

Bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu

Thân Nhân Trung đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận (1469) đời Lê Thánh Tông, lúc đó ông đã hơn 50 tuổi.

Đến tháng 12 năm đó, Thân Nhân Trung được bổ làm Hàn lâm viện Thị độc, hàm Chánh ngũ phẩm. Khoảng 4 năm sau, Thân Nhân Trung được thăng kiêm Đông các Đại học sĩ, một chức quan to trong triều.

Năm 1484, lúc ông đã hơn 65 tuổi, trong một bài văn bia, Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Câu nói của ông đã cách chúng ta ngày nay hơn nửa thiên niên kỷ, chính xác là 531 năm, nhưng trong suốt ngần ấy thời gian câu nói đó nhiều lúc bị coi nhẹ, thậm chí nhiều người còn không biết câu đó hiện ở đâu và do ai viết ra.

Năm Giáp Thìn (1484), trong giai đoạn thịnh vượng của nền phong kiến Việt Nam, vua Lê Thánh Tông, người đã có công xây dựng đất nước phát triển về mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… đặc biệt là việc giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Với chức vụ là Đông các Đại học sĩ, Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông giao biên soạn một bài văn cho tấm bia đầu tiên đặt ở Văn Miếu để nói về khoa thi Hội năm Nhâm Tuất (1442), dười thời Lê Thái Tông.

Đây là khoa thi được tổ chức với quy mô rộng lớn, với nguyên tắc chặt chẽ, với sự tham gia chấm thi của nhiều danh sĩ nổi tiếng như Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trần Thuấn Du, Nguyễn Tử Tấn… “Tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước, cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc, ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Lại sai dựng bia làm văn đề tên. Tiến sĩ được dựng bia ghi tên bắt đầu từ đây” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2).

Nguyễn Trực, quê xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, 26 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên); Nguyễn Như Đổ, quê xã Đại Lan, Thanh Đàm nay là Thanh Trì, Hà Nội, 19 tuổi đỗ Hội nguyên Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (Bảng nhãn); Lương Như Hộc, quê xã Hồng Linh, huyện Thường Tân nay là thôn Thanh Liễu, xã Tân Hồng, Tứ Lộc, Hưng Yên, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa).

Coi trọng khoa thi, quý trọng hiền tài

Thân Nhân Trung mô tả quang cảnh ngày thi: “Ngày 3 tháng 3, yết bảng đề danh để tỏ rõ cho tất cả kẻ sĩ thấy được sự vẻ vang, ban cho tước trật để biểu dương sự kiện khác thường, áo mão cân đai để trang điểm thiết yếu ở Quỳnh Lâm để tỏ ân huệ, ban cho ngựa tốt về quê để tỏ ý sùng ái. Sĩ thứ đất Trường An tụ tập đến xem đều ca ngợi”.

Theo Thân Nhân Trung trong văn bia năm Giáp Thìn (1484) và văn bia năm Đinh Mùi (1487) thì việc coi trọng khoa thi, quý trọng hiền tài được thực hiện từ Lê Thái Tổ, tuy nhiên đến thời kỳ Lê Thánh Tông thì việc này được nhà vua đặc biệt quan tâm và được tổ chức chu đáo nhất.

          (còn nữa)

Trịnh Dương

BẢN DESKTOP