Khám phá

Thân Cảnh Phúc- anh hùng chống Tống –  kỳ 3: Những dấu tích còn lại

Tại thôn Tòng Lệnh, việc diễn tập đánh trận giả là một nghi lễ bắt buộc để nghênh rước Thần hoàng làng. Nghi lễ này là một nét riêng đặc sắc, là một di sản văn hoá phi vật thể chỉ có ở Tòng Lệnh, nơi Thân Cảnh Phúc đã được sinh ra, tập trận, đã giúp hình thành chiến thuật và binh pháp đánh du kích của ông sau này.

Tòng Lệnh- nơi nuôi mộng lớn

Thôn Tòng Lệnh ngày nay thuộc xã Trường Giang huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có địa hình rất hiểm trở. Nằm ở phía đông nam của huyện Lục Nam. Đây là miền đất có lịch sử phát triển lâu đời. Phía Đông Tây Bắc có dòng sông Lục Nam bốn mùa trong xanh bao bọc ba phía; phía Đông Tây Nam có cánh rừng gắn liền với dẫy Huyền Đinh hùng vĩ vây quanh, tạo thành một thế non nước sơn thuỷ hữu tình.

Địa lý tự nhiên của Tòng Lệnh có một không hai. Theo các nhà phong thuỷ, Tòng Lệnh là nơi hội tụ được khí thiêng của trời đất, nhưng giao thông đi lại rất khó và nguy hiểm, nên từ xa xưa  là nơi lý tưởng để cất giấu và nuôi dưỡng cho những mộng lớn.

Các bô lão đều khẳng định rằng Tòng Lệnh từ xưa đã được coi như là cái nôi có nhiều người tài, thời nào cũng có và đã có rất nhiều cao nhân trọn làm nơi ở ẩn, nuôi dưỡng chí lớn đợi ngày đất nước cần.

Vị anh hùng Vũ Công Thành (Thân Cảnh Phúc) là một trong những người con của đất này, ngay từ khi còn nhỏ ngày ngày tập đánh giặc nên hiện nay vào chính ngày hội của thôn (ngày 07 tháng Giêng) – việc diễn tập đánh trận giả là một nghi lễ bắt buộc để nghênh rước Thánh (Thần hoàng làng). Nghi lễ này là một nét riêng đặc sắc, là một di sản văn hoá phi vật thể chỉ có ở Tòng Lệnh bảo toàn được vì nơi này ông đã được sinh ra, tập trận, đã giúp hình thành chiến thuật và binh pháp đánh du kích của ông sau này.

Bồng Lai với những dấu tích còn lại

Nhưng cũng theo giai thoại, khi Thân Cảnh Phúc trưởng thành, một hôm con chó của gia đình ông bơi qua sông Lục Nam sang đất Bồng Lai (nay là xóm Bòng) sinh ra mười con chó con. Thấy vậy gia đình ông cho là đất lành, nên cả nhà chuyển sang Bồng Lai để tiện việc giúp nước giúp dân.

Vũ Công Thành chỉ huy dân quân bản địa đánh giặc, đội quân đa phần là họ Giáp của ông đã chiến thắng rất nhiều trận, được vua Lý gả con gái là công chúa Thiên Thành làm vợ và ban thanh Bảo kiếm.

Ông là người lấy chữ hiếu và chữ nghĩa làm trọng nên trước mọi trận đánh, khi xuất quân, đều từ biệt mẹ già và vợ hiền (nên nay còn địa danh Cầu Từ, thôn Từ Xuyên – có nghĩa là thường từ biệt) và khi về đến gần nhà thì xuống ngựa (nên có địa danh cầu Hạ Mã – thuộc thôn Hạ Mã ngày nay). Các địa danh này gần đền Bồng Lai (một trong các nơi thờ ông).

Đền Bồng Lai được dân xây dựng ngay chính gốc cây thị hàng ngàn năm tuổi (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn). Trước kia thôn Bòng có tên được ghi trên bia đá là Bòng Lai, là đại bản doanh của đội quân du kích của Vũ Công Thành.

Gốc thị hàng ngàn năm tuổi này chính là nơi mà con chó của gia đình ông bơi từ thôn Tòng Lệnh qua sông Lục Nam và sinh ra 10 con chó.

Lễ hội đền Từ Hả

Đền Từ Hả là một trong các nơi thờ ông nằm rải rác dọc theo sông Lục Nam. Ông hy sinh sau trận đánh với quân Nam Tống, khi đó động Giáp nằm ở phía sau của chiến tuyến sông Như Nguyệt.

Ngựa của ông đã mang ông về đến Từ Hả thì ngã xuống. Sau khi ngã xuống, mối đùn thành đống cao phủ hết thi thể của ông chỉ qua một đêm, nhân dân lập Đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông.

      TS Nguyễn Thành Hữu

Từ Khoá

BẢN DESKTOP