Y học và đời sống

Thẩm mỹ viện Pascal bị phạt vì hoạt động không phép

  • Tác giả : Hương Nguyên
Trong gần 1 năm, Thẩm mỹ viện Pascal bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt 187,5 triệu đồng. Dù bị đình chỉ 18 tháng (từ tháng 6/2022) nhưng đến nay, cơ sở này vẫn hoạt động.
Thẩm mỹ viện Pascal bị phạt

Thẩm mỹ viện Pascal bị phạt

Liên tiếp vi phạm

Theo danh sách xử phạt vi phạm hành chính của bộ phận khám chữa bệnh từ ngày 12/4 đến 21/4 được công bố trên trang thông tin điện tử, Thanh tra Sở – Sở Y tế TP HCM, bà Ngô Ái Mỹ (chủ hộ kinh doanh Ngô Ái Mỹ) ở 62-64 Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, TP HCM, bị phạt 35 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở này bị buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Giữa năm 2022, cơ sở Ngô Ái Mỹ bị phạt 92,5 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Cơ sở này bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 18 tháng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Đến tháng 9/2022, Thanh tra Sở Y tế TP HCM tiếp tục xử phạt bà Ngô Ái Mỹ 60 triệu đồng. Theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, cơ sở làm đẹp Pascal (tại 62-64 Đường Ba Tháng Hai, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ được thực hiện các dịch vụ cắt tóc, làm đầu, gội đầu, chăm sóc da. Tuy nhiên, cơ sở này đã sử dụng thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, ....), cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế TP HCM yêu cầu đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Cấm hành nghề vĩnh viễn nếu liên tục sai phạm

Trao đổi với PV về vấn đề TMV bị xử phạt vẫn tái phạm, Luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn, Văn phòng luật sư Trần Công Ly Tao (TP HCM) cho rằng, việc các cơ sở làm đẹp coi thường luật pháp, coi thường tính mạng khách có nhu cầu làm đẹp, quảng cáo, thực hiện dịch vụ chưa được cấp phép hoạt động, đồng thời vi phạm tái diễn nhiều lần, đang chấp hành hình phạt đình chỉ nhưng vẫn hoạt động công khai... là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đáng lên án.

Hầu hết các cơ sở thẩm mỹ “chui” đều tìm mọi cách để chiêu dụ và “moi” tiền khách hàng, mức độ an toàn của các cơ sở này thấp, không đủ điều kiện và chuyên môn. Theo quy định tại Điều 39 về Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021, thì mức xử phạt vi phạm còn quá nhẹ: Đối với phạt tiền cao nhất là từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này”.

“Đây là số tiền phạt quá thấp so với lợi nhuận từ việc thực hiện dịch vụ thẩm mỹ vượt phạm vi cho phép, do đó cơ sở ‘chui’ sẽ chấp nhận chịu phạt để thực hiện. Vì vậy, cần có những chế tài răn đe, xử lý nặng hơn đối với các cơ sở thẩm mỹ ‘chui’, tăng nặng mức phạt tiền tương ứng với các dịch vụ làm đẹp, áp dụng các hình thức như: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 06 tháng trở lên; quy định các tình tiết nặng nếu tái phạm để tăng mức phạt tương ứng; cấm hành nghề vĩnh viễn với trường hợp cá nhân cố tình vi phạm nhiều lần”, LS Minh Tuấn nhấn mạnh.

“Để “dẹp loạn” thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp hoạt động tư vấn, quảng cáo, thực hiện dịch vụ “chui” gây mất an toàn sức khỏe, tính mạng người có nhu cầu làm đẹp, cần tăng chế tài gắn liền với tăng cường trách nhiệm trong xử lý vi phạm; sửa đổi quy định pháp luật một cách chặt chẽ hơn; cần có sự liên kết thông tin quản lý doanh nghiệp giữa các Sở, Ban, Ngành chức năng để các cơ sở “chui” không có cơ hội lách luật; tiến hành thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý từ cơ sở” – LS Tô Ngọc Minh Tuấn nói.

Hương Nguyên

BẢN DESKTOP