Khám phá

Thái úy Lý Công Bình và hai lần cầm quân – kỳ 3: Những tồn nghi về Lý Công Bình

Những tồn nghi về Lý Công Bình có phải là Phạm Công Bình hay Nguyễn Công Bình hay không, đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.

Phù điêu đá chạm nổi đoàn binh của vua Chân Lạp ra trận ở Angkor.

Thiên không thời, địa chẳng lợi

Quân Chân Lạp lúc này vẫn còn do Suyrayavarman II chỉ huy, không những dùng thủy binh mà còn dùng tượng binh, bộ binh trong trạng huống “thiên không thời” (hạn hán kéo dài từ xuân đến thu), “địa chẳng lợi” (Chiêm đang hừng hực kháng chiến, Đại Việt lo phòng vệ cẩn mật), “nhân không hòa”(cả người Chiêm và người Đại Việt đều oán hận đế quốc Chân Lạp) cho nên đoàn quân xâm lược của Suyrayavarman II đã có một kết thúc bi thảm ở núi Vụ Thấp, tức núi Vụ Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Có khả năng Suyrayavarman II và phần nhiều binh lính của ông vua hiếu chiến này đã chết thảm vì lam chướng ở tử địa Vụ Quang, quân Chân Lạp còn lại như rắn mất đầu và chỉ còn số ít nên tự tan vỡ, nên không có một phiến đá nào ở Angko Wat ghi lại ngày tháng năm tử trận của một hoàng đế đầy tham vọng này…

Bàn về việc vua làm lễ tạ ơn trời đất và Đạo mà không ban thưởng công trạng tướng sĩ, đặc biệt là Lý Công Bình, sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:

“Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đàng này lại quy công cho Phật và Đạo đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ.”

Lý Công Bình có phải Phạm Công Bình?

Sau này, trong Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần cũng nhận định: “Lý Công Bình nhận mệnh vua mà đem tướng sĩ đi đánh giặc, cũng có thể nói là trung thần. Công Bình xuất quân chỉ mới được mấy ngày đã có tin thắng trận báo về, cũng có thể nói rằng ông là người có tài làm tướng.

Thưởng người có công, trị người có tội là lệ thường của mọi thời. Tiếc thay, Lý Công Bình chẳng được hưởng sự công bình, bởi vua u mê, cái gì cũng cho là Trời Phật làm nên chứ chẳng phải sức người.

Sau, đến năm Đinh Tị (1137), ông lại phải thêm một phen cầm quân đi đánh Chân Lạp ở Nghệ An, nhưng cũng chẳng thấy sử chép nhà vua thưởng gì cho ông. Lý Thần Tông mất năm 1138, thọ 22 tuổi. Diễn đạt theo cách nghĩ của chính nhà vua lúc sinh thời, thì cũng có thể coi đó là điềm lành cho xã tắc vậy.”

Những tồn nghi về Lý Công Bình: theo một số nguồn tư liệu ở Vĩnh Phúc thì Lý Công Bình là Phạm Công Bình, người An Lạc, Yên Lạc, phủ Tam Đái, Sơn Tây (nay là thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo nguồn này thì Phạm Công Bình đỗ Trạng nguyên (hoặc thủ khoa, sau được thờ tự với danh hiệu Trạng nguyên) khoa Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh thứ 3 đời Lý Huệ Tông.

Nguồn này lý giải việc này là do Lý Công Bình vốn họ Phạm sau được ban quốc tính (họ Lý), đến thời Trần phải kiêng húy Trần Lý nên sử ghi là Nguyễn Công Bình.

Tuy nhiên thời vua Lý Huệ Tông không hề có năm Mậu Thìn cũng như niên hiệu là Kiến Gia. Do đó một số nguồn cho rằng Phạm Công Bình đỗ năm Kiến Gia thứ 3 (1214); điều này lại mâu thuẫn vì Lý Công Bình là nhân vật sống vào nửa đầu thế kỷ XII mà thời Kiến Gia là đầu thế kỷ XIII… Vì thế, Lý Công Bình, Phạm Công Bình hay Nguyễn Công Bình có phải là một người hay không còn rất nhiều nghi vấn.

    TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP