Chuyển động

Thái Nguyên: Chính quyền xã Tân Cương nói gì về phản ánh của người dân?

  • Tác giả : Đinh Thanh
Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho rằng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan cần có giải pháp tốt hơn nữa, đảm bảo cho nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài được hoạt động ổn định và theo đúng quy định.

Như Khoa học và Đời sống - Báo Tri Thức & Cuộc sống đã đưa tin, người dân trên địa bàn xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vừa có phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu xử lý chất thải rắn Đá Mài. Theo đó, tình trạng ô nhiễm đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động sản xuất, gây bức xúc trong người dân.

Người dân đánh bẫy ruồi.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo Tri thức & Cuộc sống, ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết, chính quyền địa phương chia sẻ với những gì mà các hộ dân sống ngay cạnh nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài đã và đang gặp phải trong thời gian qua. Theo đó, chính quyền đã đưa ra một số biện pháp và kiến nghị với mong muốn giúp người dân an tâm sinh sống và được đảm bảo sức khoẻ.

Trước tiên, Chủ tịch UBND xã Tân Cương đề nghị doanh nghiệp phải có biện pháp cụ thể và thiết thực để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có biện pháp khắc phục những sự cố do yếu tố chủ quan gây ra.

Đồng thời, Chủ tịch UBND xã Tân Cương còn cho rằng chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan cần có giải pháp tốt hơn nữa, đảm bảo cho nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài được hoạt động ổn định và theo đúng quy định.

Tình trạng khói từ khu xử lý chất thải rắn Đá Mài.

Ngoài ra, với nguyện vọng, mong muốn di dời của các hộ dân, ông Phạm Tiến Sỹ cho rằng đây là mong muốn chính đáng và cũng mong các cấp chính quyền cao hơn sớm có giải pháp, hướng giải quyết để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của các hộ dân sống ở khu vực lận cận nhà máy bị ảnh hưởng không tốt thời gian qua.

Mặt khác, người đứng đầu xã Tân Cương cũng cho rằng muốn hoạt động thu gom, xử lý rác trên địa bàn có hiệu quả trước tiên doanh nghiệp hoạt động phải có trách nhiệm, doanh nghiệp nên đầu tư các công nghệ tiên tiến hơn, để vừa thu gom, phân loại cũng như xử lý được nước rỉ rác, rác thải một cách hiệu quả và ít ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hơn.

Cũng theo ông Sỹ giá thành thu gom rác và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn hiện nay chưa hợp lý. Vì muốn doanh nghiệp làm tốt, họ phải có lợi nhuận. Nếu lợi nhuận ít mà bảo doanh nghiệp làm tốt thì cũng khó. Chính vì vậy, hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Tân Cương nói riêng và các địa phương khác nói chung cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dài hơi hơn, ưu đãi hơn, tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo bệ môi trường vì sự phát triển kinh tế một cách bền vững và đảm bảo cuộc sống của người dân.

Trước đó như Khoa học và Đời sống đã đưa tin, tình trạng ô nhiễm đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cuộc sống, gây bức xúc trong người dân.

Bà Nguyễn Thị Mận, thôn Soi Vàng, xã Tân Cương đã sinh sống tại khu vực này hơn 50 năm cho biết kể từ khi xuất hiện bãi tập kết rác ruồi nhặng xuất hiện rất nhiều trong sân, nhà chính, bếp của gia đình, đặc biệt nhiều vào buổi chiều tối hoặc khi hoặc thời tiết chuyển mùa. Từ khi nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài hoạt động vào năm 2017, tình trạng ruồi nhặng ở khu vực sinh sống của gia đình có giảm đi nhưng lại xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí (mùi khét). Khiến việc hít thở bầu không khí trong lành trước kia đã không còn khiến gia đình rất khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. “Ông nhà tôi vừa mất vì ung thư phổi có thể do hít nhiều khói từ nhà máy rác”, bà Mận chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Mận, thôn Soi Vàng, xã Tân Cương.

Bà Nguyễn Thị Mận, thôn Soi Vàng, xã Tân Cương.

Phải sống trong điều kiện tương tự, bà Trần Thị Liên, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương cho biết: “Có những hôm gia đình ăn cơm phải mắc màn vì quá nhiều ruồi. Để giảm bớt tình trạng ruồi bu nhiều trên sân, trong nhà, gia đình đã phải dùng bẫy. Nhiều hôm bẫy được cả cân ruồi. Có hôm, chúng tôi còn mang cả 4 kg ruồi bẫy được xuống UBND để phản ánh với chính quyền. Sau này, khi có nhà máy xử lý rác thì gia đình lại mất ăn, mất ngủ vì mùi khét. Gia đình phải để hai vợ chồng con cái và cháu đi thuê trọ ở khu vực khác sinh sống. Thỉnh thoảng chúng nó mới dám về chơi”.

Bà Trần Thị Liên, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương.

Bà Trần Thị Liên, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương.

Cũng theo bà Liên, gia đình đã nhiều lần phản ảnh, đề nghị chính quyền vào kiểm tra cũng như có biên bản làm việc về tình trạng ô nhiễm mà gia đình gặp phải. Tuy nhiên, sau khi lập biên bản, tình trạng ô nhiễm có giảm đi nhưng chỉ được vài ba ngày “đâu lại vào đấy”. Đáng nói, những hôm đoàn kiểm tra vào thì tình trạng mùi khét hay khói xả ra từ ống xả lại ít hơn so với những ngày thông thường.

Ngoài ra, sinh sống ở ngay bã 3 (đường tỉnh 267) trên đường rẽ vào bãi rác, cuộc sống của gia đình ông Phạm Quang Huy (xóm Hồng Thái 2) thường xuyên ghi nhận tình trạng nước rác thải rơi rớt ra đường từ xe chở rác. Vào những hôm trời nắng, nhiệt độ cao, mùi hôi bốc lên theo gió bay sộc thẳng vào nhà. Chưa kể tình trạng ruồi bu vào những vũng nước thải trên mặt đường nhìn rất mất vệ sinh. Trước đây, nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài có cho xe bồn đi rửa đường mỗi khi có xe rác chạy qua. Tuy nhiên, tần suất ngày càng thưa dần. Đến nay, hàng tháng may ra mới có xe bồn đi rửa đường.

Với tình trạng cuộc sống gặp phải như đã nêu trên, các hộ dân nói chung và gia đình bà Liên nói riêng mong muốn được chính quyền các cấp, doanh nghiệp quan tâm, để người dân có thể sớm được di dời sang nơi khác sinh sống, để an tâm làm ăn và đảm bảo sức khoẻ.

Đồng tình, gia đình ông Huy mong muốn nhà máy rác có những biện pháp cụ thể như ứng dụng những công nghệ mới để xử lý triệt để những tình trạng trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đinh Thanh

BẢN DESKTOP