Khám phá

Thái hậu tận tâm bảo hộ

Thái hậu tận tâm bảo hộ khi vua Lê Nhân Tông còn nhỏ tuổi, trong 10 năm đất nước yên bình. Đó là

Thái miếu nhà Lê ở Lam Kinh.

3 lần dâng biểu

Thái hậu người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Khi vua Thái Tông mất, vua Nhân Tông lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Đại Hòa. Khi lên ngôi, vua mới 2 tuổi, nhân đó quần thần mời bà buông rèm coi chính sự, nắm quyền quyết định việc lớn.

Tháng giêng năm Thái Hòa thứ nhất (1443) vua Lê Nhân Tông cùng quần thần mang Kim sách dâng tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Sách viết:

“…Vừa rồi, Hoàng phụ chầu trời, mẫu hậu theo lời di huấn. Điều hòa trong cung; trăm việc thảy đều mĩ mãn. Đinh ninh lời dạy ở bên trong, tha thiết hướng con theo đạo nghĩa. Thêm nữa: nghiệp lớn nay đang buổi doanh thành, con trẻ dại đảm đương sao nổi.

Nghĩ rằng sự khó khăn to lớn lúc này, lại cậy mẹ ra giúp rạp. Nên trước hết phải chính đại danh, để thỏa ý muốn dân trông ngóng. Vậy con là mỗ cùng đại thần, với trăm quan và thứ dân, khôn xiết mong chờ kính dâng tôn hiệu Hoàng thái hậu, xin (mẫu hậu) buông rèm coi việc. Cúi xin mẫu hậu soi xét cho lời xin đó. Để phò lòng phù giúp nước nhà, để chính lệnh có người ban phát”.

Thái hậu phê đáp không chấp nhận, quần thần lại dâng biểu khuyên lần nữa. Thái hậu vẫn chưa chịu nhận. Quần thần lại dâng tờ biểu thứ ba rằng: “…Đức nhân từ như thể mây che, lòng dân chúng thảy đều yêu kính. Cúi mong sớm ban ý chỉ, chiếu cố theo lời chúng thỉnh cầu. Giúp đỡ nhà vua, đặt xã tắc vững như bàn thạch, nhân lấy hiệu đẹp, giữ phúc trời cho đến vô biên”.

Loạn Nghi Dân, Thái hậu bị hại

Năm thứ 6 Kỷ Tỵ (1449), Thái hậu cùng với vua về Lam Kinh. Tháng năm năm thứ 7 Canh Ngọ (1450), lúc đó trời đã lâu không mưa, sao Thái Bạch đi xuyên qua mặt trăng.

Thái úy Lê Thụ, Lê Khả (Trịnh Khả) dâng sớ rằng: “Xưa kia trong thời thịnh trị, khi trời sinh tai biến, thì vua phải xét mình, đại thần xưng tội cùng lòng kính sợ, may ra mới gỡ bớt được thiên tai. Mới rồi trong niên hiệu Thuận Thiên (1428- 1433) thường được mùa luôn, cho đến năm Thiệu Bình, Đại Bảo, điều tốt có nhiều.

Bệ hạ chưa thâu coi việc chính trị, cũng không có việc lầm lỗi gì mà lụt hạn liền nhau, tai dị xảy ra luôn, hoặc giả là bọn thần không biết thể lòng thương dân, yêu vật của bệ hạ, điều hòa trái lễ như lời trong chiếu đã nói. Cúi xin Thánh từ đòi bọn thần đến chính sự đường, hỏi bọn thần về việc quân, việc nước, việc gì nên làm, nên đổi, cốt ở thực hành, không chuộng hư văn”.

Hoàng Thái hậu có ý chỉ trả lời rằng:

“Sách xưa có câu: “Việc người làm tốt thì trời hòa” nay quan gia còn trẻ thơ, trẫm rất lo sợ, cái lệ ngày nay, hoặc có người hùa đảng với nhau mà tiến cử không công bằng, hay cậy công thần ở tiềm để mà cho vợ con chức thác người quyền thế, hay cho gia nô làm hại lương dân, hoặc có kẻ rao vào nhà quyền thế để cần khỏi tội.

Làm thế nào để đổi được những tệ ấy, cho vua tôi ta một lòng một dạ, để tiêu tai biến của trời, trên giúp quan gia giữ nghiệp của tông miếu, dưới thảo lòng thiên hạ và quân dân”.

Lúc này, nhà vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu tận tâm bảo hộ, tín nhiệm đại thần, theo dùng phép sẵn có, trong khoảng hơn 10 năm trong nước bình yên.

Tháng 11 năm thứ 11 Quý Dậu (1453), Thái hậu trả lại quyền bính cho vua và lui về ở cung riêng. Năm Diên Ninh thứ 6 Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn vương (Nghi Dân) làm loạn, Thái hậu bị hại.

Tháng 6 năm Quang Thuận thứ nhất, Canh Thìn (1460), bọn đại thần là Lê Lăng, Nguyễn Xí, bình định nội nạn, tiễu trừ đảng phản nghịch, vua Lê Thánh Tông lên ngôi, mới làm tang Thái hậu, mang Kim sách dâng tên thụy là Tuyên từ nhân ý Chiêu túc Hoàng thái hậu.

Dương Tuấn

BẢN DESKTOP