Trong nước

“Thả trôi” quy trình kiểm soát an toàn xe khách ở bến: Có lợi ích nhóm?

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc xe khách tuyến cố định không vào bến nhưng vẫn được cấp lệnh xuất bến là có dấu hiệu của việc mua bán giấy tờ và lợi ích nhóm.
Nghi vấn về lợi ích nhóm, móc nối cấp giấy tờ không đúng quy định được đặt ra khi xảy ra tình trạng nhiều xe khách tuyến cố định tại Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình không vào bến, nhưng vẫn được bến xe cấp, ký lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến.
Tài xế dính cồn, ma túy “lọt” cổng bến?
Tham gia tư vấn, phản biện về loạt bài “bến xe ‘thả trôi’ quy trình kiểm soát an toàn xe khách” mà Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải, phản ánh về tình trạng nhiều bến xe ở Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình cấp lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến cho xe khách tuyến cố định khi không thực hiện các quy trình kiểm tra an toàn phương tiện, người lái, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: “Quan trọng nhất của giao thông là an toàn. Khi bến xe và doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định ở thời điểm trước, trong và sau khi xuất bến là đã vi phạm. Đây là lỗ hổng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và có dấu hiệu buông lỏng quản lý, giám sát, hậu kiểm hoạt động của xe khách tuyến cố định ở 2 đầu bến”.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc bến xe khách bỏ qua các quy trình kiểm tra an toàn phương tiện và người lái để cho xe xuất bến là đã vi phạm pháp luật. Chưa kể, đây là hành vi “tiếp tay” của bến xe cho các tài xế nếu có nồng độ cồn, dính ma túy hoặc không đủ điều kiện vẫn vô tư hành nghề, gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho hành khách và người tham gia giao thông.
Thực tế, vào khoảng 11h25 ngày 1/4, phát hiện xe khách BKS 21B-008.01 của nhà xe Tuấn Thư (chạy tuyến cố định Yên Bái – Mỹ Đình) lưu thông hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng có dấu hiệu bất thường, tổ công tác Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) ra hiệu lệnh yêu cầu lái xe dừng lại. Qua kiểm tra nhanh, tài xế Nguyễn Xuân Trường (SN 1991, trú tại Yên Bái) dương tính với chất ma túy. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe đang chở 10 hành khách.
Bước đầu, tài xế Trường khai nhận, có ăn đồ có chất thuốc phiện bột màu đen. Ngay sau đó, Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm với anh Trường về hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
“Tha troi” quy trinh kiem soat an toan xe khach o ben: Co loi ich nhom?
Tài xế xe khách tuyến cố định của nhà xe Long Giang vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy nhưng không bị kiểm tra, phát hiện ở bến xe.
Trước đó, vào lúc 21h23’ ngày 29/3, Tổ Công tác thuộc Cục Cảnh sát giao thông và Công an tỉnh Sơn La trong quá trình làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên đường Trần Đăng Ninh, thành phố Sơn La phát hiện xe khách BKS 27F-000.58 của nhà xe Long Giang (tuyến cố định Điện Biên – Bãi Cháy Quảng Ninh) do lái xe Phạm Văn B (SN 1981, trú tại phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình) điều khiển có nhiều biểu hiện nghi vấn. Lúc này trên xe chở theo 29 hành khách. Qua kiểm tra nhanh lái xe vi phạm cồn ở mức 0,260mg/lít khí thở. Tiến hành test nhanh ma tuý lái xe dương tính. Lái xe khai nhận trước đó có uống rượu ngâm “quả thuốc phiện” và toàn bộ hành khách trên được đón tại Điện Biên và đang trên đường về Quảng Ninh.
Theo thống kê từ Cục CSGT, trong quý I/2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 750.105 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 472 lái xe dương tính với chất ma túy.
Có lợi ích nhóm?
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, với tình trạng xe khách tuyến cố định không vào bến để thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông nhưng vẫn được cấp lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến là dấu hiệu buông lỏng quản lý của cả bến xe và cơ quan chức năng ở khu vực bến.
“Tha troi” quy trinh kiem soat an toan xe khach o ben: Co loi ich nhom?-Hinh-2
Đỗ xe ở ngoài bến xe Thịnh Long (Nam Định), tài xế nhanh chân chạy đi đóng lệnh vận chuyển.
“Bản chất đó là xe dù, bến cóc. Việc xe đón khách ở ngoài cổng bến nhưng lại liên kết với bến xe để cung cấp đầy đủ giấy tờ để chạy 2 đầu bến là dấu hiệu của việc móc nối, mua bán giấy tờ và lợi ích nhóm”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói và nhấn mạnh việc “tiếp tay” này của bến xe đã tạo cơ hội cho xe dù, bến cóc phát triển mạnh mẽ, dần làm chủ mạng lưới vận tải hành khách và dần “xóa sổ” các bến xe chính quy, đi ngược lại tinh thần cương quyết dẹp bỏ các vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa mà lâu này Nhà nước xây dựng và triển khai.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc bỏ qua quy trình kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện và người lái của bến xe sẽ khiến công tác giám sát hoạt động vận tải gặp khó khăn và khó chống lại được nạn xe dù, bến cóc.
Cần phải xem xét tăng chế tài xử lý bến xe, doanh nghiệp vận tải vi phạm trong việc quản lý, vận hành trước, trong và sau khi xe tuyến cố định hoạt động ở bến để có tính răn đe.
Còn Chỉ huy Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với bến xe, Thanh tra giao thông để tuyên truyền và ký cam kết với các nhà xe trong việc bảo đảm các điều kiện xuất bến, trong đó có kiểm tra xác suất bất kỳ về vấn đề sức khỏe của tài xế. Tuy nhiên, một số nhà xe chạy xuyên tâm Hà Nội cũng thường bỏ lơ những yêu cầu của lực lượng chức năng. Việc tài xế dương tính với ma túy hay có sử dụng rượu bia khi lái xe, phía bến xe, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm.
Xe khách tuyến cố định không vào bến phải xử lý nghiêm", Chỉ huy Đội CSGT số 6 nói và đề nghị bến xe, đơn vị vận tải phải cung cấp đầy đủ dữ liệu camera giám sát hành trình để lực lượng chức năng kiểm soát hoạt động vận tải, bảo đảm ATGT cho hành khách. Trường hợp nhà xe không cung cấp hoặc cố tình làm hỏng thiết bị để chạy "rùa bò", sai lộ trình, không ra vào bến...cũng phải có hình thức xử lý mang tính răn đe.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định: Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách.

Ngoài ra còn quy định: Đơn vị kinh doanh bến xe khách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đúng nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra việc thực hiện điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào Lệnh vận chuyển; chỉ cho xe vận chuyển hành khách xuất bến nếu đủ điều kiện.

>>> Mời độc giả xem thêm video Đông nghẹt bến xe, kẹt cứng đường trước kỳ nghỉ lễ:

(Nguồn: THĐT)

Thiên Tuấn

BẢN DESKTOP