Đời sống

Thả cá chép ngày ông Công ông Táo thế nào cho đúng?

  • Tác giả : Quỳnh Anh
Thả cá chép ngày ông Công ông Táo đúng cách sẽ giúp gia chủ tăng phước báu và ngược lại.

Ngày 23 tháng Chạp, theo tín ngưỡng dân gian là ngày ông Táo lên chầu trời, tấu trình mọi sự của gia chủ.

Để chuẩn bị cho ông Táo lên chầu trời, gia chủ thường sắm lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. 

Mâm cơm cúng thường sẽ gồm xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả... tùy theo điều kiện gia chủ.  Tuy nhiên, điều không thể thiếu trong mâm cúng là phải có 3 bộ mũ áo, hài, một hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã) để làm ngựa cho các Táo lên thiên đình.

tha-ca-chep.jpg
Khi thả cá chép, người thả nên đến gần mép nước, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Sau khi hóa vàng, gia chủ sẽ mang Táo đi thả cá chép. Tuy nhiên, cách thả cá chép thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết. Thực tế, có những người đứng trên bờ hất túi nilon có chứa cá chép xuống, có người cầm tay tung... Thậm chí, có người lại vứt nguyên cả túi nilon xuống ao, hồ....

Trao đổi về điều này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết, theo giáo lý nhà Phật, hành động thả cá chép mang ý nghĩa phóng sinh. Ngày Tết ông Công ông Táo, việc thả cá chép không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.

Nhưng nếu thả chép ngày ông Công ông Táo không đúng cách thì cũng không giữ được nét đẹp ý nghĩa của tục lệ này. Thậm chí, còn vướng nghiệp sát sinh do không quan tâm tới việc sống chết của con cá.

Để giữ được ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh, trước hết gia chủ nên chọn những chú cá còn khỏe mạnh, cá quẫy mạnh, bơi nhanh. Khi mang cá chép về nhà, cần để cá trong một chiếc bát có chứa nước sạch.

Trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, sau khi gia chủ hạ lễ, hóa vàng cúng ông Công ông Táo thì có thể mang cá chép đi phóng sinh.

Nơi chọn phóng sinh cá phải là những ao, hồ có nước sạch, không ô nhiễm, đảm bảo cá có thể sống khỏe mạnh được sau thả.

Khi thả cá chép, không nên đứng trên cao đổ hay ném cá xuống, khiến cá có thể bị chết khi chạm mặt nước. Thay vào đó, người thả nên đến gần mép nước, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Khi thả cá xong, không nên đi ngay, mà dừng lại một một chút quan sát xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt không thể bơi ra được.

Một điều tuyệt đối tránh, đó là vứt cả túi nilon cùng với cá xuống ao, hồ... làm ô nhiễm môi trường. Như vậy, hành động của việc thả cá sẽ không còn ý nghĩa tốt đẹp nữa.

Quỳnh Anh

BẢN DESKTOP