Dọc đường

Tết xưa thế nào?

Khóa ấn” suốt 1 tháng

Những tài liệu dưới mắt quan sát của người Tây phương miêu tả về Tết Việt từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 cho thấy nhiều phong tục ngày nay nguyên vẹn, có phong tục không còn, giúp ta rõ phần nào xưa kia cha ông ta ăn Tết ra sao.

Khoảng 1646, Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes, người có nhiều năm sống ở Việt Nam viết cuốn Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài), nhắc đến tục lệ dựng cây nêu, và trả hết các món nợ nần trước Tết:

“Vào ngày cuối năm, người Việt có thói quen dựng gần cửa một cây cột cao vượt mái nhà, trên ngọn treo cái giỏ hay cái hộp đục thủng nhiều lỗ, đựng đầy những đồng tiền vàng bạc nhỏ làm bằng bằng giấy bồi cứng. Họ đinh ninh rằng vào cuối năm tổ tiên họ có thể bị túng thiếu, cần đến vàng bạc để trả nợ.

Sự kiện này dẫn đến một tục lệ khác là bất cứ già trẻ sang hèn, không ai khất nợ quá một năm, trừ trường hợp không thể trả nổi. Hành động này còn là vì sợ chủ nợ không đòi được tiền, tức giận, nói năng động chạm tới tổ tiên họ khiến tổ tiên oán hờn con cháu. Họ còn lo trả nợ trước cuối năm vì sợ rằng chủ nợ đến đòi vào ngày mồng một Tết, bắt đồ đạc trừ. Họ cho thế là xúi quẩy và là một điềm gở”.

Một tác giả khác người Hà Lan, Samuel Baron, khoảng năm 1685 viết cuốn A Description of the King dom of Tonqueen (Mô tả Vương quốc Ðàng Ngoài) cũng nhắc đến một vài tục ăn Tết thời Hậu Lê:

“Cái lễ vui nhất là Tết, thường rơi vào khoảng 25 tháng Giêng tây lịch và kéo dài một tuần. Vào dịp ấy, ngoài múa hát và những thú tiêu khiển (chọi gà, đi cà kheo…) họ còn bày nhiều trò chơi như đá cầu hay đánh đu. Cột đu làm bằng tre dựng ở mọi góc phố, đàn ông khoe sức mạnh và tài khéo léo, trong khi những gánh hát rong trình diễn các trò ảo thuật, múa rối.

Họ không bao giờ chểnh mảng trong việc chuẩn bị lễ Tết, cỗ bàn khá tươm tất. Tùy hoàn cảnh, mỗi người đều tìm cách trội át láng giềng trong ba bốn ngày Tết. Ðây là thời gian người ta mặc sức ăn ngon, ai mà không cố tiếp đãi họ hàng, bạn bè chu tất thì mang tiếng là bủn xỉn, bần tiện. Thế nên dẫu họ biết rằng tiêu hoang vào dịp này thì rồi sẽ khánh kiệt, cả năm đến phải sống bằng cách đi ăn xin cũng không quản ngại.

Mồng một Tết không ai ra ngoài đường. Người nào cũng ở trong nhà và chỉ tiếp cận họ hàng gần, gia nhân. Ðối với tất cả những người khác thì dù một ngụm nước, một thanh củi họ cũng không cho và còn khó chịu nếu ai dám ngỏ lời xin vì mê tín, sợ rông: Mồng một mà cho ai cái gì thì cả năm cứ phải tiếp tục cho đến nỗi cuối cùng phải đi ăn mày. Tục lệ không đi ra đường cũng chung một lý do: Sợ lỡ ra đường ặp điềm xấu thì cả năm sẽ khổ.

Mồng hai, họ đi chúc Tết nhau và đến chào người trên để làm tròn bổn phận. Lính tráng, gia nhân đi mừng tuổi quan thầy hay chủ nhà. Tuy nhiên, các quan thì lại đi chầu vua chúa vào ngày mồng Một, theo đúng nghi lễ.

Với quan lại, từ 25 tháng Chạp, cái ấn/triện được xếp vào hộp, mặt ngửa lên, tỏ ý không dùng đến, nghỉ việc trong một tháng (khóa ấn, phong ấn). Trong thời gian ấy các vụ kiện tụng đều đình hoãn, không một tờ biên bản nào được đóng triện, những con nợ không bị tịch biên gia sản, những đám trộm cắp vặt, đánh nhau đều không sợ bị phạt. Các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Tri huyện chỉ đếm xỉa đến những tội phản loạn, sát nhân, thì bắt giam phạm nhân lại chờ ngày khai ấn mới đem ra xử”.

Ông đồ viết câu đốiÔng đồ viết câu đối

Rượu chè, bài bạc

Dampier W. là tác giả quyển Un Voyage au Tonkin en 1688 (Một chuyến du lịch Bắc kỳ năm 1688) lại mô tả trò đánh đu và hủ tục rượu chè dịp Tết:

“Cái lễ lớn nhất là Tết. Dân chúng thong dong trong mươi, mười hai ngày, ai cũng nghỉ việc, cố ăn mặc sạch sẽ, tươm tất. Những người này tiêu khiển bằng các trò chơi hay vận động. Ðường phố đông như nêm cối, nhà quê cũng như kẻ chợ, nô nức đi xem các trò giải trí. Có người dựng cột đu ở các hè phố và thu tiền của những ai muốn đánh đu. Người đánh đu ở đây đứng thẳng dưới chân cột, dẫm lên một cái ngáng nằm ngang, hai đầu buộc chặt vào hai sợi dây thừng treo ở trên, người đu nắm giữ bằng hai tay và rún chân đưa bổng lên cao tít, ví thử dây chão mà đứt thì ít ra cũng ngã gẫy xương nếu không chết.

Những người khác dùng thì giờ vào việc uống trà là thứ giải khát thường nhật. Nhưng họ cũng ưa khề khà, nhấm nháp một loại rượu hâm nóng, cất bằng gạo, rất khó uống dẫu không nồng quá. Người sang thì đãi bạn bè những món cao lương mỹ vị, rượu nhất hạng ngâm với rắn độc, bọ cạp, được coi là một thứ rượu bổ mà còn là thứ thuốc rất mạnh để trị bệnh hủi, chữa mọi nọc độc. Họ còn ăn rất nhiều trầu và trao tặng nhau trầu cau”.

Giáo sĩ Benigme là tác giả Vingt ans en Annam (Hai mươi năm sống ở An-nam). Viết về Tết, tác giả này có những nhận xét khá tỉ mỉ, xin lược dịch:

“Hôm trừ tịch, mỗi người trồng ở góc nhà một cây tre đẹp nhất, trên ngọn, chỗ những chùm lá, người ta treo cái giỏ nhỏ đựng trầu cau đã têm sẵn, thuốc lào (…). Trên bàn thờ đèn nến sáng choang, trước các bài vị cỗ bàn bày la liệt (…).Vong hồn tổ tiên được cho là trở về sum họp với con cháu và ở lại ăn Tết mấy ngày đầu năm. Thọat đầu “hồn” dừng lại ở ngọn tre, ăn trầu, hút thuốc rồi mới vào nhà sau ba lần cung thỉnh của gia chủ, dự tiệc giữa những tiếng chiêng trống ầm ĩ. Mỗi người sì sụp quỳ lạy ba lần để tiếp rước ông bà ông vải. Hôm sau, sáng chiều họ đều làm như thế, và cứ như thế suốt cả một tuần lễ.

Trong ba ngày Tết, ai cũng diện quần áo mới toanh, hết sức tránh không to tiếng trong nhà, tất cả mọi công việc đều ngừng. Người ta tiêu khiển bằng cách đi mừng nhau đã sống lâu được đến hôm ấy và chúc phúc năm mới. Những kẻ dưới đi Tết người trên thì đem theo lễ vật. Không bao giờ người ta đi chúc Tết người trên mà lại đi tay không. Sau đó họ được phép tha hồ bê tha cờ bạc trong ba ngày Tết, say mê đến nỗi thua sạch cả quần áo. Nhưng họ không được phép chơi ở gian nhà chính mà chơi ở dưới mái hiên và với điều kiện chỉ nói cười khe khẽ. Ðáng phục là điều kiện này đến cả các bà cũng tuân theo”.

Bán lợn chợ TếtBán lợn chợ Tết

“Cái cớ để tiệc tùng” 

Bác sĩ quân y Courtois Edmond, cũng là tác giả quyển Le Tonkin français contemporain (Bắc kỳ Pháp thuộc, hiện đại) thì có những miêu tả cụ thể về cái Tết năm 1886 (Bính Tuất):

“Tết năm 1886 rơi vào đầu tháng Hai dương lịch. Tôi đang ở với một đội ngũ coi mấy nghìn phu làm đường. Tết đến, tất cả mọi công việc đều ngừng lại như có phép lạ. Viên đội trưởng phân phát vô số thịt lợn, trà, và cho phu nghỉ việc với điều kiện phần đông phải thuận ở lại chỗ làm việc. Vậy nhưng rất nhiều người vẫn xin về ăn Tết với gia đình.

Tôi có hai gia nhân rất tận tâm, nhưng hôm trừ tịch, họ xin phép tôi về nhà cha mẹ tuy ở khá xa. Tôi tò mò rất muốn biết cái lễ Tết ấy ra sao, bèn hỏi một nhà buôn An nam, ngỏ ý muốn ăn Tết với gia đình ông ta. Khi tôi vừa nói tôi rất tôn kính những tục lệ cổ truyền, rất thán phục cái tục trọng vọng gia đình mà không xứ nào sánh bằng ở đây, thì ông ta thuận để tôi tự do đến nhà suốt thời gian có lễ Tết.

Tết trước hết là lễ thờ phụng tổ tiên, nhà nào cũng đóng cửa ăn Tết trong gian phòng trang hoàng đẹp nhất vào dịp đặc biệt này. Nhiều người chỉ đến Tết mới thay áo quần, thành ra ngày hôm ấy ai cũng diện bảnh chọe. Người ta tặng nhau quà, trẻ con chúc Tết cha mẹ và được mừng tuổi một xâu tiền kẽm buộc lạt, ngoài bọc giấy đỏ hay giấy trắng. Cũng vào ngày Tết người chủ gia đình giúp đỡ họ hàng nghèo và bao giờ trong gói quà cũng nói rõ để cúng ông bà ông vải.

Cái chỗ vinh dự nhất nhà dành cho bàn thờ tổ tiên. Ðó là một cái bàn thờ sơn son trên bày bình hương đựng cát, những chân nến cũng sơn son, những thoi giấy vàng giấy bạc và những đĩa đựng cơm, thịt (…) Mỗi ngày người ta hạ và thay cỗ mới mấy lần. Tất cả gian phòng bầy rặt đồ thờ cúng, nào tàn quạt, nào bình phong. Bên trên bàn thờ treo những tờ giấy lớn viết đặc những chữ nho ca tụng công đức tổ tiên và lòng tôn sùng của con cháu. Cạnh bàn là chỗ các cung văn ngồi dạo nhạc liên tục.

Tết không chỉ là lễ cúng tổ tiên, nó còn là cái cớ để người ta tiệc tùng, chè rượu thả cửa. Tất cả những đĩa đồ ăn bầy la liệt trên bàn thờ mỗi ngày thay mấy lần, có thể nói là họ ăn uống từ sáng đến tối. Chiều mồng Một hiếm khi gặp một người nào không chuếnh choáng hơi men, say khướt thứ rượu trắng cất bằng gạo đâu đâu cũng có.

Thỉnh thoảng người ta ngừng ăn uống, các cung văn nghỉ đàn hát, rồi bỗng những tiếng đùng đùng đinh tai nhức óc, chiêng khua trống gióng inh ỏi, mỗi người đều ra sức đập một vật như thể họ thi đua xem ai đập to hơn. Thế rồi lại ca hát ê a, và Tết kéo dài khoảng một tuần ở nhà giàu, nhà nghèo thì ngắn hơn. Số tiền họ dành dụm ky cóp đã tiêu sạch.

Ðến một lúc nào đó họ đốt vàng mã, những thỏi vàng bạc bằng giấy, cho ông bà ông vải. Và còn rất nhiều lễ kỳ dị, thay đổi tùy vùng. Ở đồng bằng thường thấy họ cân nước lã để bói. Nếu nước năm mới nặng hơn nước năm cũ là điềm gở, năm ấy sẽ có nạn hồng thủy ghê gớm.

Tổ tiên được coi như linh hiển, về ăn Tết, vì thế người ta mới luôn luôn thay đổi món ăn trên bàn thờ. Dân chúng cũng đi tảo mộ, nhổ cỏ, đắp mộ. Họ đi tảo mộ quanh năm. Nếu ruộng có mộ chôn đã bán đi thì trong văn tự phải “chua” rõ chỗ đất ấy không nhượng.

Ngày Tết, người ta trồng một cái cột tre trước cửa, trang hoàng những mảnh giấy để làm dấu hiệu cho tổ tiên biết đường về nhà (…). Tất cả cái lễ Tết ấy tựa như một lễ tuyên tôn (béatification) tổ tiên. Vua chúa cũng ban hiệu lệnh cho dân chúng ăn chơi, nghỉ việc trong nửa tháng”.

Tết xưa ở kinh đô:

Bác sĩ Hocquard và là tác giả cuốn Une campagne au Tonkin (Một chuyến viễn chinh ở Bắc kỳ), viết từ 11/1/1884 đến 31/5/1886 miêu tả về cái Tết năm 1886 ở Huế: 

“Từ sáng nay cả thành phố Huế tưng bừng, nô nức: Sắp đến Tết đầu năm. Trong non một tháng trời, dân chúng giàu cũng như nghèo, đình hết mọi việc để ăn uống, rong chơi. Không ai buôn bán, cầy bừa, không làm những việc chán ngán, lớn bé đều diện quần áo ngày Tết. Những người nghèo khó bán cả đồ đạc còn sót trong nhà, đi vay nợ, để có tiền tiêu Tết. Các bộ, viện đều đóng cửa. Tất cả mọi cửa hiệu đều đóng cửa im ỉm. 

Những người thuộc hạng trung lưu và các quan thì mặc lễ phục đi chúc Tết, trao đổi những cánh thiếp lớn màu đỏ cùng quà cáp. Chỗ nào cũng thấy đỏ rực, màu đỏ vốn là màu của vui mừng. Trước cửa mỗi nhà người ta trồng những cành tre lớn còn đầy lá, cũng có những cột trên ngọn trang trí bằng tàu lá dừa hay chùm lông gà, đèn treo đủ mọi màu sắc. Cây cột này trồng cho tổ tiên hay cha mẹ đã mất. Dân chúng tin rằng hàng năm vào dịp Tết vong linh tổ tiên trở về thăm gia đình và ở lại ăn Tết, thế thì cần phải để hồn người chết nhận biết nhà của con cháu mà vào, cây cột có mục đích chặn họ lại không để đi quá nhà. 

Trước ngưỡng cửa, nhà nào cũng vạch xuống đất những hình cung tên xếp chéo nhau bằng vôi bột. Tục lệ này nhắc lại tích đức Phật đánh dẹp ma quỷ . Có người còn lấy cây xương rồng và những cành cây có gai bịt kín cửa để ma quỷ không vào được nhà quấy nhiễu. Ngoài cổng, mé trái bức tường, dựng một bàn nhỏ thắp đèn nhang thờ thần giữ cửa, nhà giàu bầy hoa, vàng giấy, bánh trái, cỗ bàn ngày hai buổi cúng bái. Trong bếp luôn luôn thắp nhang cúng ba vị thần (Vua Bếp hay Táo công) sống ở ba hòn đá trong bếp (cái kiềng bếp ba chân).

Và những người đầy tớ là sung sướng nhất trong dịp lễ này: chẳng ai mắng mỏ họ một câu, nếu mắng ắt cả năm sẽ rông, họ bảo thế”. 

BẢN DESKTOP