Thời sự

Teo tinh hoàn vì tập gym tiêm “Roid” tăng cơ bắp

  • Tác giả : Thúy Nga
Mong muốn tăng cơ bắp nhanh, nam thanh niên tự tiêm testosterone suốt 4 năm. Đến khi cưới vợ, anh suýt mất cơ hội làm cha. Thực tế nhiều người bị tập thể hình bị tình trạng này mà không biết.

Tinh hoàn teo và tình trùng giảm còn 1/10 người bình thường

Cầm kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ trên tay, anh P.T.P. (30 tuổi, TP.HCM) không tin vào mắt mình khi số lượng tinh trùng chỉ bằng 1/10 nam giới bình thường. Tinh trùng yếu, tỷ lệ di động dưới 10%. Anh luôn tự hỏi tại sao mình tập gym mỗi ngày, thể hình cao to, cơ bắp vạm vỡ nhưng lại khó có con trong suốt 2 năm lấy vợ.

Sau khi đã loại trừ khả năng anh P. có thể mắc một số bệnh lý bẩm sinh và mắc phải, gây ra tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nam giới, BS Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM thăm khám và hỏi bệnh sử.

Bác sĩ nhận định đây là một trường hợp suy giảm khả năng sinh sản do tự ý sử dụng testosterone thời gian dài. Bệnh nhân có tinh hoàn teo chỉ còn khoảng 8ml, trong khi kích thước trung bình ở nam giới từ 12-25ml.

Nghe BS Long phân tích về nhiều trường hợp teo tinh hoàn, khó có con do tự tiêm hormone sinh dục nam, anh P. kể năm 2020 bắt đầu tập thể hình và được bạn tập rỉ tai tiêm “roid” giúp tăng cơ bắp nhanh chóng. “Roid” trong giới thể hình là gọi tắt của steroid, một chất tổng hợp có các đặc tính tương tự như hormone sinh dục nam testosterone, còn gọi là testosterone ngoại sinh.

Anh bắt đầu tự tiêm vào mông, liều 250 mg/mũi, mỗi tuần 1 lần. Sau vài tháng tiêm liên tục, kết hợp các bài tập thể lực anh P. đạt được hình thể mong muốn. Khoảng hơn 1 năm nay, thể hình ổn định nên anh giảm liều tiêm, duy trì tiêm khoảng 2-4 tuần một lần.

BS Long tư vấn cho bệnh nhân

BS Long tư vấn cho bệnh nhân

Với bệnh nhân này, BS Long tư vấn duy trì tập thể dục nhưng phải dừng hoàn toàn việc tiêm testosterone, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, không uống rượu bia, hút thuốc…

Sau 4 tháng theo dõi, hiện lượng tinh trùng người bệnh đã tăng gấp 5 lần. Riêng tình trạng teo tinh hoàn cần thêm thời gian hồi phục để có khả năng đậu thai tự nhiên cao hơn.

“Nếu chất lượng tinh trùng vẫn yếu, có thể bệnh nhân phải thụ tinh nhân tạo để có con”, bác sĩ Long nói.

Tăng nguy cơ bệnh tim mạch

BS Long phân tích, các hormone sinh dục nam được gọi chung là androgen. Trong đó testosterone có vai trò quan trọng nhất đối với nam giới, giúp tăng mật độ xương, phát triển và săn chắc cơ bắp, giảm mỡ thừa, giọng nói trầm, mọc lông, tóc… và điều hòa tâm sinh lý.

Testosterone được tinh hoàn tiết ra (testosterone nội sinh), đạt đỉnh cao trong giai đoạn dậy thì, giảm dần sau 40 tuổi. Người có sức khỏe bình thường không nên tự tiêm testosterone với mục đích tăng cơ bắp hay cải thiện ham muốn tình dục.

Việc lạm dụng testosterone ngoại sinh sẽ dẫn đến tình trạng hormone sinh dục nam tăng đột ngột. Điều này khiến não và tuyến yên tưởng cơ thể đã sản xuất đủ testosterone nên ngừng tổng hợp testosterone tự nhiên trong cơ thể. Lâu ngày, cơ thể mất hoàn toàn khả năng tự sản xuất testosterone dẫn đến rối loạn tâm lý (phấn khích, hung hăng, buồn bã) và chức năng sinh lý ở nam giới.

Testosterone ngoại sinh còn ức chế hormone LH và FSH tiết ra từ tuyến yên, làm tinh hoàn giảm hoặc không còn sản xuất tinh trùng nên teo dần. Nam giới bị vô sinh, ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo việc sử dụng testosterone ngoại sinh có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong. Do đó, FDA yêu cầu tất cả các sản phẩm testosterone phải ghi thông tin này trên nhãn để người tiêu dùng nắm rõ.

Ngoài ra, testosterone ngoại sinh tan trong mỡ nên phải tiêm bắp. Nhiều nam giới tự tiêm mà không biết liều lượng, cách tiêm, vị trí tiêm… cũng rất nguy hiểm. Nếu tiêm vào máu mạch máu có nguy cơ gây thuyên tắc mạch, ảnh hưởng tính mạng.

Vì vậy, ngay cả khi người bệnh có chỉ định tiêm bổ sung testosterone cũng cần được thực hiện tại các cơ sở y tế. Trước tiêm, người bệnh phải được xét nghiệm nội tiết định kỳ, theo dõi và duy trì nồng độ testosterone phù hợp.

Hiện chỉ có người bệnh suy tuyến yên, dậy thì trễ hoặc bị “bất lực” do thiếu nội tiết tố sinh dục, hay người chuyển giới từ nữ sang nam, hoặc khắc phục những hạn chế về cơ bắp đối với cơ thể nam giới… được bác sĩ chỉ định điều trị mới được tiêm testosterone.

“ Nam giới tuyệt đối không nên tự bổ sung testosterone bằng bất kỳ cách nào. Khi có các dấu hiệu sức khỏe sinh sản bất thường như giảm ham muốn, teo tinh hoàn, rối loạn cương… cần đến các cơ sở y tế uy tín có khoa nam học, hiếm muộn.

Nam giới có thể tăng cường testosterone tự nhiên bằng việc thay đổi lối sống, như thường xuyên tập thể thao, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, bổ sung vitamin D, B, kẽm và sử dụng thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh và tinh bột...” - BS Phạm Xuân Long khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP