Dữ liệu y khoa

Tế bào gốc phục hồi di chứng thần kinh ở trẻ đuối nước

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều trẻ bị di chứng thần kinh, liệt hoàn toàn, sống đời sống thực vật... đã được “hồi sinh” nhờ ghép tế bào gốc.

1 tuần tiếp nhận 3 trẻ di chứng thần kinh do đuối nước

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ Gene, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec chia sẻ, thật không vui khi chỉ trong 1 tuần Bệnh viện đã phải tiếp nhận 3 trẻ bị di chứng thần kinh do đuối nước đến ghép tế bào gốc: 1 bé ở Hải Phòng, 1 bé ở Quảng Bình và 1 bé từ nước ngoài về.

Các bé đều trong tình trạng di chứng thần kinh nặng nề chỉ còn sống thực vật, một số cháu phải mở khí quản để duy trì sự sống. Khi hội chẩn, cơ hội sống của trẻ còn rất ít song vì sự quyết tâm, nỗi đau và niềm hy vọng của các gia đình, buộc các bác sĩ phải cố gắng tìm mọi cách để cứu.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, cho đến nay, bệnh viện đã thực hiện ghép tế bào gốc cho 9 trẻ đuối nước bị di chứng thần kinh nặng, trong đó 6 trẻ được được theo dõi trên 1 năm. Rất mừng vì các cháu đã có nhiều tiến bộ: từ chỗ liệt hoàn toàn đã có thể ngồi dậy, có cháu đã đứng được và bắt đầu tập đi, từ chỗ mất hoàn toàn nhận thức sau ghép các cháu đã bắt đầu có nhận thức: biểu hiện cảm xúc khi giao tiếp với người thân, có cháu đã phát âm được…

Chẳng hạn như cháu NVT., bị bại não sau một tai nạn đuối nước. Gần nửa năm trời, gia đình cháu lúc nào cũng đau đớn trước tình trạng con mình toàn thân gồng cứng, không cử động được, hay dọa cắn lưỡi, sùi bọt mép, khó thở…Sau 2 lần ghép tế bào gốc từ tủy xương thành công kết hợp với vật lý trị liệu bé T. đã nhận biết và đi lại được...

Trẻ bị đuối nước tập đi sau ghép tế bào gốc

Trẻ bị đuối nước tập đi sau ghép tế bào gốc

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, với sự đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ của hệ thống labo, bộ phận ghép đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, các kỹ thuật luôn được cập nhật, ghép tế bào gốc đã phát triển thành ngành nghề mũi nhọn của Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tại đây, nếu không đủ tế bào để ghép có thể nuôi cấy tế bào gốc từ tủy xương trong phòng thí nghiệm để tế bào gốc tăng sinh lên vài chục triệu tế bào, có thể dùng để ghép cho lần sau mà không cần lấy tế bào gốc từ tủy xương nữa.Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, kỹ thuật nuôi cấy này phức tạp và rất mới ở Việt Nam.

 Kết quả phụ thuộc vào thời gian ngừng tim và sau tai nạn được ghép tế bào gốc

Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ trai, có lẽ do hiếu động hơn. Nguyên nhân đa dạng: bố mẹ cho con về quê thăm ông bà, trong lúc mải nói chuyện với họ hàng trẻ lao ra vườn chơi và rơi xuống ao; bố mẹ cho trẻ đi hồ bơi bất chợt một cuộc điện thoại đến không còn chú ý đến trẻ; chị đẩy xe nôi đưa em đi chơi trên đường làng vô tình vấp ngã xe rơi xuống mương; bố mẹ lùi xe trong đêm chẳng may rơi xuống hồ nước…

Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng dẫn tới biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, mặc dù tế bào gốc có thể giúp các bé hồi phục nhưng rất mong các bậc phụ huynh cần chú ý hơn nữa để không có các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Những trường hợp không may bị tai nạn cần đưa bé đến ghép tế bào gốc càng sớm càng tốt. Bởi mức độ hồi phục phụ thuộc rất nhiều vào thời gian ngừng tim và thời gian từ sau khi bị tai nạn đến lúc ghép tế bào gốc. Tùy vào mức độ nặng nhẹ trẻ phải ghép từ 2- 4 lần. Tốt nhất là nên ghép cho trẻ sau giai đoạn phù não, không còn phải thở máy (thường sau 2 -4 tuần bị đuối nước).

Trao đổi về sự an toàn và kết quả của phương pháp, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho hay, phương pháp này an toàn với phần lớn các trường hợp. Chỉ có một số ít ca bị sốt nhẹ và đau, nhưng lúc sử dụng thuốc đều kiểm soát được các tác dụng phụ này. Kết quả sau ghép 100% bệnh nhân bại não do thiếu oxy đều có nỗ lực về chức năng vận động sau ghép.

Để đạt được các kết quả tích cực này, với mỗi trường hợp, trước lúc điều trị, bệnh nhi phải được thăm khám rất kỹ nhằm xác định xem có phù hợp để ghép tế bào gốc hay không. Khi đủ yêu cầu để ghép, quy trình tách chiết và ghép phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối. Sau đó, bệnh  nhân được kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hướng dẫn tập phục hồi chức năng tại bệnh viện và ở nhà. Quy trình được quản lý chặt chẽ, theo chuẩn quốc tế để nhằm đạt hiệu quả cao nhất”.

Cách cấp cứu khi bị đuối nước:

Bước 1. Gọi người trợ giúp và nhanh chóng đưa bé ra khỏi nước, kiểm tra đường thở có thông thoáng không.

Bước 2. Kiểm tra xem bé có còn thở hay không để tiến hành cấp cứu.

Bước 3. Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được, thực hiện “cấp cứu cơ bản” bằng: ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé. Tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đợi đội cấp cứu đang đến.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP