Dữ liệu y khoa

Tế bào gốc điều trị bệnh tim

  • Tác giả : PGS.TS Phạm Mạnh Hùng  (Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam)
(khoahocdoisong.vn) - Các tiến bộ trong sinh học phân tử đặc biệt là tế bào gốc đã thúc đẩy một hướng tiếp cận mới trong điều trị với hy vọng có thể làm tăng sinh các tế bào cơ tim, mạch máu nuôi tim để thay thế cho các tế bào cơ tim đã bị mất chức năng.

Một khám phá đầy triển vọng

Trước đây, người ta cho rằng các tế bào cơ tim là những tế bào trưởng thành, không còn khả năng phân chia hay biệt hóa, khi đã bị hoại tử thì chỉ còn lại mô xơ sẹo không còn chức năng. Tuy nhiên, giờ đây người ta đã nhận ra rằng có những tế bào cơ tim gốc tồn tại ngay tại cơ tim, trong một vài hoàn cảnh nhất định có thể tiếp tục phân chia, biệt hóa và trở thành các tế bào cơ tim trưởng thành.

 Việc cấy các tế bào vào trong cơ tim (tân tạo tế bào cơ tim) có thể sử dụng các nguồn tế bào rất đa dạng như tế bào gốc từ tủy xương, nguyên bào cơ vân đang được nghiên cứu để điều trị các bệnh tim mạch. Nếu các tế bào đó có thể được cấy với số lượng lớn và chức năng của chúng có sự phối hợp với các tế bào cơ tim, thì có thể sửa chữa cơ tim bị nhồi máu.

Nhược điểm lớn nhất của dòng tế bào này là chúng ta không thể biệt hóa thành tế bào cơ tim thực sự và biệt lập về điện - cơ học với mô chủ nên có thể gây ra rối loạn nhịp tim trầm trọng. Tế bào cơ tim gốc có ở quả tim trong thời kỳ phôi thai, sau đẻ và ngay cả ở tuổi trưởng thành vẫn giữ nguyên khả năng biệt hóa thành cơ tim hoặc mạch máu, có thể phân lập rồi nhân lên trong phòng thí nghiệm từ các mẩu sinh thiết cơ tim để đạt đủ số lượng tế bào non đem cấy và tạo được những vùng mô ghép xen kẽ với mô chủ.

Những bệnh tim có khả năng cấy tế bào gốc

Khó khăn vào thời điểm này là thiếu các tế bào cơ tim để cấy ghép. Hơn nữa, cấu tạo gen cần thiết để biến đổi các tế bào cấy ghép thành tế bào cơ tim vẫn chưa được biết. Hiện nay, cấy ghép tế bào gốc đang được nghiên cứu trong một số bệnh lý tim mạch như:

Nhồi máu cơ tim: Mặc dù các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim gây ra, tuy nhiên với các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim diện rộng, các bệnh nhân đến viện muộn đã làm tăng tỷ lệ bị suy tim sau nhồi máu. Dựa vào những kết quả nghiên cứu ban đầu, người ta thấy rằng việc truyền tế bào gốc vào động mạch vành cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim có tính khả thi và an toàn. Đây là một hướng có nhiều triển vọng nhất.

Bệnh động mạch vành giai đoạn cuối: Dù có rất nhiều tiến bộ trong tái tạo động mạch vành như can thiệp động mạch vành qua da hay phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành thì vẫn có nhiều bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim nhưng không thể tái tạo động mạch vành theo cách thông thường được, do tổn thương của động mạch vành quá lan tỏa. Tế bào gốc từ tủy xương đã được nghiên cứu trong một vài thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành không còn khả năng can thiệp cơ học. Kết quả ban đầu cho thấy có cải thiện đáng kể triệu chứng đau thắt ngực, khả năng gắng sức, mức độ tưới máu và chức năng tâm thu thất trái sau cấy tế bào gốc.

Suy tim mạn do bệnh động mạch vành: Về phương diện lý thuyết thì khi thay thế phần sẹo nhồi máu bằng mô cơ sống sẽ cải thiện chức năng tim và ngăn cản tiến trình tái cấu trúc thất trái. Hiện nay các nhà khoa học đang tiến hành một số thử nghiệm để đánh giá độ an toàn và tính khả thi của phương pháp cấy nguyên bào cơ vân vào cơ tim của bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn do thiếu máu. Tuy nhiên các kết quả ban đầu cho thấy, cấy nguyên bào cơ vân đã làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp thất trầm trọng ở nhóm bệnh nhân này.

Con đường dài phía trước

Điều trị bằng tế bào gốc rất có triển vọng đối với bệnh nhân tim mạch, song nhiều vấn đề còn chưa rõ. Vòng đời của các tế bào sau cấy sẽ thế nào? Tế bào cơ tim tân tạo có thể đập đồng bộ trong vùng nhồi máu với mô chủ được không hay sẽ tạo ra những ổ loạn nhịp mới? Các tế bào tân sinh thực sự thích hợp với mô chủ hay chỉ tồn tại tạm thời đủ để đem lại một số hiệu quả trước mắt?

Với tốc độ phát triển của sinh học phân tử, những thông tin về gen cần thiết để chuyển nguyên bào sợi hay nguyên bào cơ thành nguyên bào cơ tim sẽ sớm được định rõ đặc điểm. Trong khi đó cũng cần bảo đảm có sự kết nối điện - cơ của các tế bào được cấy vào với các tế bào ở vùng cơ tim ở gần còn sống. Rõ ràng còn có nhiều rủi ro và nhiều điều chưa được biết. Việc cấy ghép tế bào trên thực nghiệm làm tăng cường chức năng thất và điều trị suy tim ứ huyết có thể trở thành sự thực trên lâm sàng trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng  (Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam)

BẢN DESKTOP