Dữ liệu y khoa

Tế bào gốc cuống rốn - hy vọng cho người mắc bệnh thalassemia

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Sau khi được các bác sĩ tư vấn, người mẹ quyết định mang thai sinh em bé thứ hai để lấy tế bào gốc cuống rốn điều trị cho người anh đang mắc phải căn bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh, thalassemia, thể nặng. Hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình họ.
Lưu trữ tế bào gốc từ màng dây rốn và máu cuống rốn là một đầu tư sức khỏe cho chính đứa trẻ và những người cùng huyết thống trong gia đình. Ảnh: Kiểm tra mẫu tế bào gốc tại Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem

Lưu trữ tế bào gốc từ màng dây rốn và máu cuống rốn là một đầu tư sức khỏe cho chính đứa trẻ và những người cùng huyết thống trong gia đình. Ảnh: Kiểm tra mẫu tế bào gốc tại Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem

Sinh thêm con để chữa bệnh thalassemia

Cha mẹ bé Luyện Nhật M. (14 tuổi, Yên Bái) chưa bao giờ nghĩ có một ngày gia đình họ lại tràn ngập tiếng cười, hai con khỏe mạnh như thế này.

“Cháu M. được chẩn đoán thiếu máu tán huyết nặng thể di truyền, da lúc nào cũng xanh xao. Mỗi tuần, chúng tôi đều đặn đưa con từ Yên Bái xuống Hà Nội để truyền máu hai lần. Cháu truyền máu suốt gần 6 - 7 năm, tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Được các bác sĩ giới thiệu về phương pháp điều trị bằng tế bào gốc, chúng tôi đã liên hệ với Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và được các chuyên gia tư vấn và sinh em bé thứ hai để có thể lấy tế bào gốc cuống rốn chữa bệnh cho anh trai”, chị Đỗ Thị T., mẹ của bé Nhật M. chia sẻ.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cố vấn cao cấp của MekoStem cho biết, may mắn là cô em gái mới sinh không mắc bệnh và có các chỉ số về mặt cơ thể rất phù hợp với anh trai. MekoStem đã kết hợp với Bệnh viện Nhi T.Ư lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn của bé gái mới sinh, để chữa cho anh trai khỏi hoàn toàn, không phụ thuộc vào việc truyền máu.

Luyện Nhật M. mạnh khỏe nhờ tế bào gốc cuống rốn của người em gái.

Luyện Nhật M. mạnh khỏe nhờ tế bào gốc cuống rốn của người em gái.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị tiên tiến nhất cho bệnh nhân thiếu máu tán huyết nặng (thalassemia). Tại Việt Nam, một số bệnh viện lớn đầu ngành có thể thực hiện điều trị bằng phương pháp này như Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Viện Nhi T.Ư. Tuy nhiên, rất khó tìm được người cho tế bào gốc phù hợp.

Từ rác thải y tế đến những ứng dụng kỳ diệu

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, ban đầu, dây rốn là một loại rác thải y tế, nhưng giờ đây, rất nhiều tế bào gốc trong máu dây rốn và màng dây rốn được sử dụng trong điều trị.

Hiện nay, một mạng lưới hơn 80 bệnh viện như Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện An Sinh… ở khắp các tỉnh thành có những tư vấn, thu thập dây rốn em bé sau đó gửi về TPHCM để xử lý và lưu trữ tế bào gốc để điều trị bệnh. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu phụ nữ sinh con, đây là nguồn tế bào gốc khổng lồ.

Việt Nam có khoảng 2 triệu phụ nữ sinh con, đây là nguồn tế bào gốc khổng lồ nếu được lưu giữ để điều trị bệnh cho con người.

Việt Nam có khoảng 2 triệu phụ nữ sinh con, đây là nguồn tế bào gốc khổng lồ nếu được lưu giữ để điều trị bệnh cho con người.

Từ cuối những năm 1980, con người đã ứng dụng tế bào gốc dây rốn để điều trị hàng chục bệnh lý thiếu máu và bệnh lý ác tính của cơ quan tạo máu như thiếu máu bất sản, ung thư máu, các bệnh lý di truyền về máu, suy giảm miễn dịch và bệnh chuyển hóa; cũng như một số bệnh lý khác như đột quỵ, tai biến mạch máu não, tim mạch... Ngoài ra, tế bào gốc máu cuống dây rốn còn được nghiên cứu để điều trị bỏng, chống nhăn hay làm chậm quá trình lão hóa. Đặc biệt, tế bào gốc máu dây rốn có tính phản ứng miễn dịch thấp nên ít phản ứng hơn khi tiêm những tế bào khác như tế bào gốc tủy xương.

Các chuyên gia y tế Việt Nam đang từng bước nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc vào điều trị một số bệnh lý, trong đó có bệnh hiếm muộn và gặp khó khăn trong thụ tinh ống nghiệm. Cụ thể là sử dụng tế bào gốc tự thân làm thay đổi lòng tử cung, kích hoạt nhiều yếu tố làm tăng độ nhầy tử cung, từ đó tăng khả năng bám của phôi khi cấy vào tử cung. Đây là một đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y Dược và Đào tạo An Sinh kết hợp với Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem. Hiệu quả bước đầu của nghiên cứu này rất khả quan, giúp tăng tỷ lệ thành công trong việc đặt phôi.

Thalassemia là một trong các bất thường di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Hiện toàn cầu có 7% người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh; 1,1% cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh hoặc mang gene bệnh. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh và mang gene bệnh cao. Tỷ lệ mang gene bệnh ở người Kinh vào khoảng 2 - 4%, các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, tỷ lệ này rất cao: Khoảng 22% đối với dân tộc Mường, và trên 40% ở dân tộc Êđê, Tày, Thái, Stiêng...

An Quý

BẢN DESKTOP