Đời sống

Tập dưỡng sinh nên không phải dùng thuốc

Thân hình nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, bà Lê Thị Duyên (84 tuổi ở 87 Lê Đại Hành, Hà Nội) vẫn thoăn thoắt đạp xe đi chợ, đi sinh hoạt các câu lạc bộ hay đi thăm con cháu.

Bà Duyên và bài tập dưỡng sinh buổi sáng.

Càng nằm càng ốm

Là nữ giới, ngoài 80 vẫn đi được xe đạp không phải ai cũng làm được. Nhưng đối với bà Duyên, chiếc xe đạp Vĩnh Cửu gắn bó với bà từ thời bà làm công nhân nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo vẫn là người bạn đồng hành cùng bà trên mọi nẻo đường.

Bà Duyên mắc bệnh xương khớp hàng chục năm, đã từng phải châm cứu, bấm huyệt ở chỗ bác sĩ Tài Thu. Từ lúc nghỉ hưu, bà còn mắc thêm bệnh huyết áp. Huyết áp của bà cứ giao động lên xuống, không ra cao, cũng chẳng ra thấp làm bà mệt mỏi.

Tay chân đau, hay chóng mặt, nhiều khi bà phải nằm bẹp ở nhà. Bà Duyên có 3 con, ông bà ở với con trai thứ hai. Các con của ông bà đã lớn, các cháu cũng vậy nên bà không phải lo cho ai. Lúc đầu, cứ mệt là bà lăn ra nằm. Nằm mãi đầu càng nặng.

Hôm nay ốm, ngày mai ốm, cả chuỗi ngày đau ốm nên bà buồn. Chẳng lẽ cứ ăn rồi nằm và đến viện? Mấy người bạn hàng xóm đến thăm bà, động viên bà vận động, đi bộ ra hồ tập thể dục cho thay đổi không khí nên bà đi theo.

Lúc đầu đi bộ bà thấy hụt hơi nhưng ra đến nơi, trông cụ nào cũng khỏe mạnh, vui tươi thành ra bà có động lực để tập. Tham khảo các bác sĩ chữa bệnh cho mình, bác sĩ khuyên bà nên chịu khó ra ngoài vận động để tinh thần thoải mái, cơ thể linh hoạt, mắc xương khớp không cần đi bộ nhiều mà thay bằng đạp xe nên bà áp dụng theo.

Mê dưỡng sinh mà sức khỏe tốt

Buổi sáng, bà lấy xe đạp đạp mấy vòng hồ quanh nhà sau đó đi bộ đến chỗ tập. Bà mê bộ môn dưỡng sinh. “Tôi mê bộ môn dưỡng sinh lắm. Hồi đó tôi đang đi bộ trong công viên thì thấy có một chuyên gia Hàn Quốc đang dậy dưỡng sinh cho một nhóm các cụ.

Các động tác rất đơn giản, chủ yếu là ngoáy. Động tác nào cũng làm 8 lần. Ngoáy đầu, ngoáy tay, lắc hông, đập chân. Các động tác tập thể thì người nọ nối vào người kia đập vào hông, vai, tay nhau vừa vui, vừa sảng khoái.

Bệnh huyết áp khiến tôi rất hay chóng mặt nhưng từ khi tập dưỡng sinh, tôi chẳng phải uống viên thuốc nào mà huyết áp ổn định.

Động tác ngoáy đầu không làm tôi chóng mặt như hồi mới tập nữa. Tập được vài năm tôi không phải đến chỗ ông Tài Thu chữa bệnh. Ngày nào tôi cũng đạp xe chục cây số cho xương cốt vận động, cơ bắp không bị teo”- bà Duyên nói.

Nói không với đồ ngọt, tăng cường uống sữa

Tập tành phải kết hợp ăn uống nên từ lâu bà Duyên đã nói không với đồ ngọt dù bà không phải kiêng khem. Tất cả các loại chè bà không ăn, thay vào đó bà uống chè tươi, nước lá vối. Đi xe hay tập dưỡng sinh thường khát nước, vì vậy bà luôn cầm theo chai nước bà tự nấu để uống.

Bà nói, nước giúp cơ thể thải độc. Càng vận động càng khát nước vì vậy uống vào cơ thể càng thải được nhiều độc tố càng tốt. Tập xong về nhà, con cháu muốn mua cho bà món nọ món kia để bà ăn nhưng bà nói: “Để mẹ tự nấu. Mình ăn gì mình nấu vừa đảm bảo, vừa theo ý mình. Nấu các món thanh thanh, không mì chính, không mỡ màng mới tốt cho người già.

Cháo là món bà hay ăn. Khi cháo thịt, khi cháo đậu xanh, đậu đen, thèm thì ăn thêm vài quả cà. Ăn xong bao giờ bà cũng uống thêm cốc sữa để cân bằng dinh dưỡng”. Từ thời trẻ bà Duyên không ăn nhiều nên khi về già bà cũng ăn rất ít. Biết được nhược điểm của mình nên bữa nào ăn xong thì đợi một lúc bà lại làm cốc sữa.

Bà bảo, người già cũng như trẻ em, sữa là loại thực phẩm tổng hợp đủ các chất. Uống một cốc sữa là đã đủ dinh dưỡng. Sữa giúp dạ dày không phải hoạt động nhiều, cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể lại không lo các loại hóa chất trong thực phẩm. Có tuổi không cần ăn nhiều cơm mà hãy uống nhiều sữa, chăm tập dưỡng sinh thì chẳng cần dùng thuốc.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP