Y học và đời sống

Tạo hình nhiều vạt tái tạo lại tai bị vùi dưới da đầu

Vành tai bị vùi lấp (Cryptotia) còn được gọi là “tai bỏ túi” (porket ear) biểu hiện bởi tình trạng sụn tai bị chôn dưới da đầu.

Dị tật này không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà cả khả năng nghe và ảnh hưởng tới tâm lý. Bằng kỹ thuật tạo hình nhiều vạt các bác sĩ bệnh viện TƯQĐ 108 đã phẫu thuật thành công đưa tai bị vùi lấp trở về bình thường.

tạo hình nhiều vạt

Tai bị vùi lấp dưới da đầu.

Tai bị vùi lấp có thể gây sang chấn tâm lý

Hoàng Văn L., 6 tuổi (Quế Võ, Bắc Ninh) từ khi sinh ra đã bị dị dạng bẩm sinh vành tai 2 bên vùi lấp dưới da đầu. Từ nhỏ bé đã bị bạn bè trêu chọc, ngại tiếp xúc không muốn đi học.

Vợ chồng chị Dương Hương Giang cứ canh cánh mãi trong lòng, đưa con đi nhiều nơi chữa trị nhưng không được. Cuối cùng khi tới bệnh viện TƯQĐ 108, bé mới được tiếp nhận điều trị.

TS Nguyễn Quang Đức, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, thăm khám lâm sàng cho thấy, 1/3 phía trên của cả 2 vành tai cháu L. bị vùi lấp dưới da đầu gây hiện tượng biến dạng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bệnh nhân không đeo kính được, về lâu dài có thể gây sang chấn tâm lý. Việc phẫu thuật là hết sức cần thiết.

GS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108  cho biết, ở châu Á cứ 400 trẻ sinh ra thì sẽ có một trẻ bị dị tật vành tai vùi lấp – tức là 1 phần hoặc toàn bộ vành tai của trẻ bị vùi dưới da đầu không thể vểnh ra bình thường.

Ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì nhiều nghiên cứu cũng cho thấy khi bị vành tai vùi lấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Đặc biệt, dị tật không có vành tai gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, nhất là trẻ em ở giai đoạn  phát triển về ý thức, bắt đầu nhận thức về mình so với mọi người xuang quanh nên cần được điều trị sớm.

Phẫu thuật tạo hình tai.

Thách thức trong phẫu thuật tạo hình

Các chuyên gia cho biết, vành tai, ngoài chức năng góp phần vào hoạt động của cơ quan thính giác, còn giữ vai trò quan trong việc tạo lên những nét đặc trưng riêng biệt của mỗi người.

Tạo hình vành tai cho những trường hợp dị tật khuyết vành tai là một trong những thách thức lớn nhất của phẫu thuật viên tạo hình.

Vì vành tai được cấu tạo bởi một khung sụn được cuốn lại tinh tế, nằm trong túi da mềm mại và bền vững. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên cần có những hiểu biết về điêu khắc để có thể tạo lên vành tai mới.

TS Nguyễn Quang Đức cho biết, ở bệnh nhân này, sụn vành tai không thiếu nhưng da che phủ vành tai thiếu nên vành tai không vểnh ra ngoài mà bị kéo và vùi sát xương dưới da đầu.

Do đó, phải phẫu thuật để đưa vành tai ra vị trí bình thường, nghĩa là phẫu thuật sẽ giúp đưa được vị trí của vành tai bị vùi lấp trong da đầu ra bên ngoài, tạo độ vểnh của vành tai, đồng thời giải phóng sự co kéo của vành tai bởi những thớ cơ và sụn hình thành bất thường.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng ví như sử dụng vạt da ở tại chỗ và vạt da ở từ xa đưa đến với mục đích là có da che phủ phần sụn bị thiếu da. Đa số là dùng các vạt da hoặc ghép da.

Tuy nhiên việc dùng vạt da ở các vị trí như nếp bẹn, da bụng hoặc mông để che phủ cho vành tai lại có nhiều hạn chế, tính thẩm mỹ không cao. Chính vì vậy, các bác sĩ BV TƯQĐ 108 đã lựa chọn phương pháp tạo hình vạt da V – Y để che phủ vành tai bị vùi lấp cho người bệnh.

Tai sau tạo hình.

Đây là phương pháp tạo hình phần da thiếu sau tai bằng nhiều vạt da tại chỗ kiểu, gỡ dính sụn tai. Theo đó, để huy động vùng da ở sau tai đến che phủ vành tai bị thiếu da, các bác sĩ sẽ rạch những đường ngắn hình chữ V ở sau tai rồi xô trượt da đến vành tai để che phủ.

Tại chỗ lấy da này sẽ được khâu đóng trực tiếp và không xảy ra tình trạng co kéo vì vùng da đầu vì da sau tai có độ chun giãn đàn hồi rất tốt.

Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm: màu sắc da tạo đồng nhất với vành tai, sẹo được giấu ở sau tai nên không bị lộ và đặc biệt tránh được sẹo ở những vùng da khác bị lấy, đảm bảo tính thẩm mỹ cao.

Sau 90 phút phẫu thuật đã thành công, 2 vành tai đã được sửa chữa, nhô hoàn toàn ra khỏi da đầu, vành tai trở lại cấu trúc giải phẫu bình thường. 5 ngày sau phẫu thuật, cháu L. được cắt chỉ và có một đôi tai bình thường.

TS Đức khuyên, 5 tuổi là thời điểm thích hợp để phẫu thuật dị tật tai bị vùi lấp cho trẻ, bởi khi đó cấu trúc sụn tai đã phát triển toàn diện và trẻ cũng đủ nhận thức để tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, bệnh nhi cũng được BHYT chi trả khi thực hiện phương pháp này.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP