Bình luận

Tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều người thất nghiệp

Theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có thể dẫn nhiều người trẻ bị thất nghiệp hơn.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gia tăng số người thất nghiệp

Tuổi thọ tăng nhanh nhất thế giới

Từ ngày 1/1/2021, lao động nam đủ 60 tuổi, nữ 55 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng làm việc cho đến khi nam đủ 62, nữ 60 tuổi sẽ nghỉ hưu. Đây là một trong hai phương án được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhằm sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, từ năm 2021. Ở góc nhìn dân số, ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

Trước tiên, phân tích ở góc độ cơ học thì có thể thấy, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đời sống nâng cao nên tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao hơn rất nhiều. Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ tăng nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 40 tuổi thì năm 2016 theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ của nữ là 76,1 và nam là 70,8. Nghĩa là đã tăng hơn 30 tuổi chỉ sau 50 năm.

Khi đó tuổi nghỉ hưu vẫn tính như hiện nay?

Tuổi nghỉ hưu từ lúc tuổi thọ trung bình là 40, chúng ta vẫn quy định nam là 60, nữ là 55. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của chúng ta đã ngang hàng với các nước phát triển như Mỹ. Với quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì người ta tính toán rằng, sau khi nghỉ hưu, nữ sẽ tiếp tục sống thêm 24,75 năm nữa và nam là 18,3 năm nữa. Đây là khoảng thời gian rất dài nên dường như việc tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý.

Ở các nước khác họ có tăng tuổi nghỉ hưu khi tuổi thọ tăng?

Có, các nước khác họ cũng điều chỉnh khi tuổi thọ tăng. Thậm chí có những nước, tuổi nghỉ hưu của họ là 66, 67 tuổi. Ở ta, việc tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội cũng là một lý do cần phải xem xét.

Ông vừa nói đến nhìn ở góc độ cơ học. Còn ở góc độ khác thì sao?

Nếu chỉ dựa trên các con số đó thì hẳn là việc tăng tuổi nghỉ hưu rất cần thiết, phải làm ngay, không chần chừ. Thế nhưng đặc điểm tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện có những đặc thù, mà nhức nhối nhất là chuyện người trẻ thất nghiệp.

Tỉ lệ người thất nghiệp không cao nhưng số người thất nghiệp lại tập trung chủ yếu ở người trẻ. Năm 2017, có đến 48% số người thất nghiệp là thanh niên, số người thiếu việc làm cũng nhiều, có đến 20,8% trong số đó là thanh niên. Tăng tuổi nghỉ hưu, cũng đồng nghĩa gia tăng đội ngũ những người trẻ thất nghiệp.

Phải chăng thanh niên thất nghiệp vì lười học hành?

Đáng tiếc là không hề đúng như thế. Có đến 54% số người thất nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 17% trình độ đại học, được đào tạo bài bản. Đây là điều rất đáng báo động nếu tăng tuổi hưu.

Ai làm cách mạng công nghiệp 4.0?

Theo ông thì có thể giải quyết vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm nếu vẫn tăng tuổi nghỉ hưu không?

Tôi cho rằng rất khó. Nếu người già cứ ngồi chiếm hết ghế thì người trẻ biết ngồi chỗ nào, biết làm gì. Chúng ta cứ nói cách mạng công nghiệp 4.0, phải chớp lấy thời cơ, nhưng ai là người có thể thực hiện thành công cuộc cách mạng này, nếu không phải là người trẻ?

Tăng tuổi nghỉ hưu, cũng là tăng đội ngũ người già trong bộ máy, liệu có đáp ứng, tiệm cận được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Như ông nói thì sợ là độ ì trệ của một bộ phận công chức sẽ càng tăng cùng với tăng tuổi nghỉ hưu?

Chúng ta vẫn nói với nhau có đến 1/3 lực lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng thời tăng thời gian “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” ấy. Đó là điều chúng ta phải lưu tâm.

Ngoài việc tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật thì người cao tuổi thì có điểm yếu là sức khỏe không thể bằng người trẻ?

Đúng thế. Lứa tuổi những người hiện đã 60 là những người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, kinh tế khốn khó nên sức khỏe của họ không tốt như thế hệ sau này.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của họ thì cũng thua người trẻ. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa sử dụng lao động kém về trình độ chuyên môn, sức khỏe. Trong khi lớp trẻ có sức khỏe, có trình độ chuyên môn tốt lại không được sử dụng.

Vậy ông có tán thành tăng tuổi nghỉ hưu?

Tôi cho rằng chưa nên tăng ở thời điểm năm 2021 mà phải chờ thêm thời gian nữa.

 Dễ “tham quyền cố vị”

Bản thân ông, khi nghỉ hưu, hình như ông vẫn làm rất nhiều việc?

Đúng thế, tôi có nhiều việc để làm. Việc tăng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian làm việc là không thỏa đáng. Nếu muốn, còn năng lực, còn sức khỏe, người đã nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, làm chuyên gia.

Còn người không có sức khỏe, không có chuyên môn, không thích làm, thì có thể nghỉ. Những người này nếu kéo dài tuổi hưu để ở lại thì cũng không đóng góp gì nhiều.

Không có sức khỏe, năng lực nữa mà vẫn cứ muốn “ngồi ghế” thì nguy?

Thế nên việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng dễ dẫn đến tình trạng “tham quyền cố vị”. Trong khi đó, người có khả năng thì làm việc ở lĩnh vực nhà nước hay tư nhân cũng đều có thể phát huy được. Khi đã có tuổi, năng lực lại hạn chế, sức khỏe kém đi, thì hãy nhường chỗ cho người trẻ.

Theo ông thì những điều này sẽ phải tính toán khi tăng tuổi hưu?

Phải tính toán rất tỉ mỉ, chi tiết trước khi đưa ra quyết định. Tôi chỉ làm một phép so sánh đơn giản thế này. Kéo dài thời gian làm việc của 100 anh sức khỏe kém, trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao hay tạo điều kiện cho 100 anh sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tiếp cận công nghệ nhanh, cái nào có lợi hơn?

Không nên chỉ nhìn vào con số cơ học để đưa ra những quyết sách lớn. Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải nắm được điều này.

Nhưng nếu không tăng tuổi hưu, khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là lớn, ngân sách không thể chi trả nổi?

Cái này thì các nhà quản lý phải tính toán làm sao cho hợp lý nhất, được cái này thì mất cái kia. So sánh cái được, cái mất để đưa ra quyết định, làm sao phục vụ mục tiêu phát triển tốt nhất.

Xin cảm ơn ông!

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng có tính toán cho thấy từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Cụ thể, một nam giới có 30 năm đóng BHXH, về hưu ở tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng BHXH. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia BHXH, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì NLĐ đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình.

Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm), nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu. Trong khi tuổi nghỉ hưu trung bình của lao động nam ở nước ta là 54,2, nữ 52,6, tuổi thọ trung bình của lao động nam 70,8 tuổi (16,6 năm hưởng lương hưu), nữ 76,1 tuổi (23,5 năm hưởng lương hưu).

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP