Ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng thấp, Vietcombank chuyển hướng đầu tư chứng khoán nhưng vẫn lỗ

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2020, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 10.707 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đúng như nhận định của ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank trong ĐHĐCĐ thường niên 2020, lợi nhuận 6 tháng năm 2020 của ngân hàng là ngang mức thực hiện cùng kỳ năm 2019.

Theo BCTC riêng lẻ quý 2/2020, thu nhập lãi thuần cũng như hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Vietcombank trong 6 tháng qua không có nhiều chênh lệch so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm nhẹ của lợi nhuận trước thuế là do tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 21% (tương ứng tăng 700 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Vietcombank giảm 3,1% so với đầu năm, còn hơn 1,18 triệu tỷ đồng, chủ yếu do ngân hàng giảm tiền gửi, cho vay các tổ chức tín dụng khác, giảm góp vốn và đầu tư dài hạn.

Vietcombank báo lỗ từ mua bán CKKD.

Vietcombank báo lỗ từ mua bán CKKD.

Tín dụng tăng trưởng yếu, Vietcombank chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán kinh doanh, cụ thể là chứng khoán chính phủ, với mức tăng gần 4 lần so với đầu năm, ước đạt 2.240 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh này không mang lại kết quả như kỳ vọng, khi báo lỗ gần 16 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 báo lãi 47 tỷ đồng).

Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 5,0%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (14,7%) nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung (3,26%).

Dù nhiều khoản nợ được tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, nhưng tổng nợ xấu của VCB vẫn tăng 10,4% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56% so với đầu năm.

Trong nửa đầu năm 2020, Vietcombank đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 16.314 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank hiện là 256%, cao kỷ lục theo số liệu từ năm 2010 trở lại đây và gần như chắc chắn đứng đầu trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, Vietcombank không dùng nguồn dự phòng này để xử lý các khoản nợ xấu. Có thể, ngân hàng đang dồn nguồn lực để mạnh tay xử lý nợ xấu hậu dịch Covid-19.

Trong ĐHĐCĐ vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng dự kiến tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức 1,5% trong năm 2020 do ngân hàng bị “ngấm đòn” bởi dịch Covid-19.

Minh Lâm

BẢN DESKTOP