Trong nước

Tăng trần vé máy bay nội địa: Du lịch càng thêm khó

  • Tác giả : Liên Hà Thái
Trần giá vé máy bay nội địa dự kiến tăng cao nhất 6,67% so với mức hiện hành sẽ tác động tới giá tour du lịch trong mùa hè này.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành. Trong đó, đường bay từ 1.280km trở lên sẽ có mức giá hạng phổ thông tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt, tăng 6,67% so với hiện tại.
Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.
Giá trần vé máy bay nội địa có thể lên 4 triệu đồng
Bộ GTVT đang lấy ý kiến tăng mức giá trần chặng nội địa thêm từ 50.000 - 250.000 đồng. Đây sẽ là khung dịch vụ vận chuyển hàng khách cho hạng phổ thông cơ bản nếu được các bộ, ngành nhất trí sau khi dự thảo hoàn thiện lấy ý kiến.
Theo dự thảo thông tư mới, giá dịch vụ một chiều vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản tối đa được đề xuất điều chỉnh tăng so với quy định hiện hành. Cụ thể, các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều, tăng 50.000 đồng so với giá trần hiện hành. Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với quy định hiện hành.
Cùng đó, nhóm đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, mức giá trần đề xuất tối đa là 3,4 triệu đồng, tăng 200.000 đồng/vé một chiều. Còn với khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên được đề xuất mức giá 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng/vé một chiều.
Riêng với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT, dao động 1,6 - 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Mức giá tối đa trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay trừ các khoản thu, như thuế giá trị gia tăng, khoản thu hộ cho cảng hàng không, khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Như vậy, thay vì bỏ hoàn toàn trần giá vé máy bay như mong muốn của các hãng hàng không tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến nghiên cứu nâng giá trần vé máy bay để giúp dịch vụ hàng không đa dạng hơn.
Giá vé máy bay cao gây khó?
Theo phản ánh của một số hành khách, giá vé máy bay hiện nay đã khá cao, dù chưa phải mùa cao điểm hè hoặc lễ, Tết. Anh Nguyễn Minh Hiếu (trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết đang tìm hiểu giá vé máy bay chặng Nha Trang - TP HCM cho nhóm hơn 10 người, bay trong 2 tuần tới. Tham khảo giá vé của các hãng, anh vẫn chưa chốt được vì nếu chọn giờ bay từ chiều đến tối thì giá vẫn khá cao.
Anh Hiếu băn khoăn, mức giá thấp nhất nếu bay vào buổi tối là khoảng 1,1 triệu đồng/lượt. Trong đó, giá vé hiển thị trên hệ thống chỉ 400.000 - 500.000 đồng/lượt nhưng thuế, phí lên đến hơn 700.000 đồng nên đẩy giá lên cao. Do đó, nhóm anh Hiếu đang tính phương án có thể đi tàu hoặc xe khách.
Tang tran ve may bay noi dia: Du lich cang them kho
Tăng trần vé máy bay nội địa: Du lịch càng thêm khó (ảnh minh họa: Internet).
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, giá tour hè đến thời điểm này chưa biến động lớn, nhiều đường tour ổn định khi các công ty đã ký hợp đồng vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… từ sớm. Dù vậy, yếu tố khiến thị trường “hạ nhiệt” có thể là giá vé máy bay.
Với các tour trong nước, do giá vé máy bay tăng cao, dẫn đến giá tour khá cao và chịu áp lực cạnh tranh từ các điểm đến trong khu vực nên bị giảm nhiệt. Chẳng hạn, khi giá vé máy bay cao, hành khách sẽ chọn đi tour ngắn bằng đường bộ, gây mất cân đối lượng khách và hạn chế sự phát triển du lịch của nhiều địa phương.
Việc tăng giá đột ngột sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi họ đã bán tour, nhận tiền cọc của khách và không thể điều chỉnh giá. Do đó, cần có lộ trình dài cho việc tăng mức trần giá vé và công bố trước từ 6 - 12 tháng để các doanh nghiệp chủ động xoay xở.
Anh Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty Hạ Long Tour cho biết, các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị khá kỹ trong sản phẩm, xây dựng kế hoạch đón du khách. Tuy nhiên, giá trần vé máy bay tăng sẽ cản trở việc phát triển của du lịch nội địa bởi giá vé máy bay chiếm 50 - 60% trong cơ cấu giá tour. Những du khách mua tour tự túc, khách lẻ hoặc người cần bay gấp sẽ là những đối tượng chịu sự tác động mạnh nhất khi trần giá vé tăng. Hiện có nhiều hãng hàng không để khách lựa chọn, giá vé của hãng nào thấp hơn thì họ chọn hãng đó; khi giá vé của các hãng đều quá cao, họ có thể chuyển sang đi đường sắt, đường bộ.
Cũng theo anh Thiện nhận định, dù có nhiều ý kiến trái chiều về giá vé máy bay nhưng xu hướng chọn du lịch nước ngoài ngày càng tăng chính là điều dễ thấy nhất trong giai đoạn trước hè, với điểm đến là những thị trường gần và không tốn kém nhiều chi phí và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những tháng kế tiếp. Như hiện nay, có những lúc, giá tour đi Thái Lan còn rẻ hơn tour du lịch trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá vé máy bay nội địa nên để thị trường tự quyết định, qua đó, giúp tạo đà tăng trưởng cho ngành hàng không, vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó vẫn cho phép kích cầu để tăng trưởng du lịch.
Cũng theo ông Thịnh, để kích cầu các hãng hàng không cần kết hợp với các hãng du lịch để có lượng khách ổn định, và cũng cần kết hợp với các cơ sở hạ tầng về nhà nghỉ, khách sạn cũng như với chính quyền địa phương nơi có lượng khách du lịch lớn. Từ đó đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng lên nhưng đồng thời có thể có được tỷ lệ % hợp lý, vé 0 đồng hay vé giá rẻ để kích thích lượng du khách đến nhiều hơn.

Trước đó, ngày 5/6, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng không (VABA) kiến nghị bỏ quy định về giá trần vé máy bay, đề xuất Chính phủ bỏ điều khoản này trong Luật Giá. VABA cho rằng, việc quy định trần giá vé máy bay nội địa làm “méo mó quan hệ cung cầu trên thị trường vận chuyển hàng không", "ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các hãng bay". Theo các chuyên gia hàng không, giá trần chỉ phù hợp trong giai đoạn một hãng độc quyền, chưa hình thành thị trường hàng không tư nhân. Đến nay, cả nước đã có 6 hãng hàng không cạnh tranh lẫn nhau.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức trần vé nội địa hiện tại được quy định tại Thông tư 17 đã được ban hành từ năm 2015 khi giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức khoảng 60 USD một thùng, trên cơ sở điều chỉnh mức giá ban hành năm 2014. Năm 2022, giá Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD một thùng, các hãng hàng không đã đề nghị tăng giá trần vé máy bay nội địa.

Liên Hà Thái

BẢN DESKTOP