Y học và đời sống

Tăng huyết áp ở người tiểu đường tổn thương cầu thận

Tăng huyết áp ở người tiểu đường tổn thương ở cầu thận, nơi có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Nếu không được chữa trị đúng và kịp thời sẽ gây suy thận, thiếu máu…

Ảnh minh họa.

Thận là cơ quan bài tiết quan trọng nhất của cơ thể, thận giúp cơ thể đào thải các chất cặn bã, các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thường có tổn thương ở cầu thận, nơi có nhiệm vụ lọc nước tiểu.

Thông thường người đái tháo đường type I, thường thấy tổn thương cầu thận sau 5 năm, còn đái tháo đường type II có thể tổn thương ngay từ khi mới phát bệnh. Biểu hiện sớm nhất của tổn thương cầu thận là đái ra protein vi thể (microalbumin niệu).

Nếu không được chữa trị đúng và kịp thời, lượng albumin đái ra ngày càng nhiều hơn, đến khi vượt quá 300mg/ngày được xem là protein niệu. Bệnh cầu thận kéo dài sẽ gây suy thận, tăng huyết áp, thiếu máu. Bệnh sẽ càng nặng hơn, suy thận sẽ nhanh chóng đi vào giai đoạn cuối nếu bệnh nhân không được hướng dẫn đúng về chế độ ăn, chế độ luyện tập và cách dùng thuốc hạ đường máu.

Tốt nhất, để phòng tránh tổn thương ở cầu thận, bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ thực hiện chế độ điều trị, ăn và tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc quản lý đường máu tốt sẽ giảm suy thận rõ rệt.

Cần đo huyết áp thường xuyên, có can thiệp kịp thời để duy trì huyết áp luôn ở mức an toàn (tốt nhất duy trì huyết áp dưới 130/80mmHg, nếu đã có tổn thương thận –  microalbumin niệu dương tính – thì chỉ số huyết áp phải dưới 125/75mmHg). Định kỳ kiểm tra lượng albumin trong nước tiểu. Dùng thuốc dự phòng: thuốc ức chế men chuyển liều thấp.

Đặc biệt, thực hiện chế độ ăn hợp lý ngay từ khi thận mới bị tổn thương. Trường hợp ĐTĐ có suy thận nếu ăn chế độ nhiều đạm sẽ mau chóng đưa suy thận đến giai đoạn cuối. Cách theo dõi tốt nhất để phát hiện tổn thương cầu thận là xét nghiệm microalbumin niệu và HbA1C.

PGS.TS Tạ Văn Bình (Nguyên giám đốc bệnh viện Nội tiết TƯ)

BẢN DESKTOP