Đời sống

Tăng cường công tác dinh dưỡng ưu tiên vùng khó khăn

Ngày 31/1 Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Tăng cường công tác dinh dưỡng là chủ đề chính tại Lễ phát động.

Đây là sự kiện quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân và thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe.

Tại kỳ họp thường niên lần thứ 65 của Liên hợp quốc, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh, nhất là ở khu vực đô thị. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu cải thiện, tăng cường công tác dinh dưỡng của người trong tình hình mới, PGS.Ts. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh: “Đối với công tác dinh dưỡng cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, ưu tiên vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng và phổ biến các khuyến nghị, các chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với nhóm đối tượng, vùng/miền.

Phối hợp cùng các Bộ Ngành liên quan thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng hợp lý; tăng cường giáo dục dinh dưỡng và vận động thể chất trong hệ thống trường học, rèn luyện thể dục thể thao tại cộng đồng; đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực hộ gia đình, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; đảm bảo, dự phòng và đáp ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu đến tình trạng dinh dưỡng của người dân.

Triển khai có hiệu quả các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi và các can thiệp phòng chống các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng”.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP