GIỚI TÍNH

Tan nát vì giấy kết hôn... gói xôi

  • Tác giả : Thúy Nga
Giấy kết hôn là sự ràng buộc về mặt pháp luật, nhưng không có nghĩa là sự bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc của các cặp đôi.

Mạng xã hội mới đây chia sẻ tình huống, một cô nàng mua phải gói xôi “tan nát cõi lòng”, bởi giấy gói xôi là… giấy chứng nhận kết hôn. Câu chuyện khiến netizen vừa chua xót vừa buồn cười.

Vừa chua xót vừa buồn cười

“Nếu đó là cái kết của một cuộc tình tan vỡ thì thật đáng buồn, nhưng có thể nào tờ giấy này là bản in lỗi, hoặc sai thông tin nên bị bỏ đi, đó là việc rất bình thường...”, chị Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

“Nhìn vào tờ giấy gói thì thấy có lỗi tột độ! Quá hài, ly hôn xong là mất hút, phỏng các bác? Thời buổi này chắc không cần luôn giấy này; Không biết giấy đăng ký kết hôn của mình đang được gói bánh rán ở đâu rồi, ngọt ngào đến mấy cũng tan thành xôi...” là những bình luận khá hài hước về sự việc này trên Facebook. Thậm chí, trang “Bếp mẹ S...” còn đăng ký thu mua số lượng lớn giấy đăng ký kết hôn để phục vụ công tác gói xôi cho khách hàng...

Không dừng ở đây, trước đó, cư dân mạng còn đăng tải hình ảnh giấy kết hôn gói bánh mì, kỷ vật đẹp như ảnh cưới... bị vứt bỏ ở gốc cây, thùng rác...

Tuy nhiên, mạng xã hội là “địa chỉ ảo” nên tất cả những “sự cố” trên với giấy chứng nhận kết hôn, hoàn toàn có thể là trò đùa?!

Hết tình... vứt bỏ kỷ vật cũ

Chuyên gia tâm lý, Ths Đinh Đoàn cho biết, khi gặp trục trặc trong hôn nhân hoặc tình yêu, người ta thường rơi vào trạng thái “sang chấn tâm lý”. Trạng thái này biểu hiện qua hành động, suy nghĩ, thậm chí thay đổi thói quen sống. Chính vì vậy, việc vứt bỏ kỷ vật cũ, giấy kết hôn… giống như việc từ bỏ một vài thói quen mà họ cho rằng nó ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của mình. Đây là điều dễ hiểu.

"Thư cũng chỉ là giấy thôi mà, cứ đốt chúng đi và những gì trong lòng mình sẽ còn lại mãi mãi, còn những gì phai nhạt thì sẽ cứ nhạt phai" - Haruki Murakami, nhân vật Toru Watanabe từng nói về việc đốt hết những lá thư tình trong tác phẩm Rừng Nauy.

“Việc lưu giữ hay hủy bỏ giấy kết hôn phụ thuộc vào trạng thái của từng người sau khi kết thúc cuộc hôn nhân. Việc quan trọng nhất mà mỗi cặp đôi cần làm là điều tiết cảm xúc, giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến tình cảm, pháp lý để cả hai có thể dứt bỏ thật nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai”, Ths Đinh Đoàn nói.

Sống chung, không đăng ký kết hôn... có nên?

ThS Đinh Đoàn cho rằng, trong cuộc đời mỗi người luôn gắn với các loại giấy tờ: giấy khai sinh, giấy chứng nhận tốt nghiệp, giấy chứng nhận kết hôn, giấy báo tử.

Giấy kết hôn cực kỳ quan trọng, nó giống như sổ đỏ của ngôi nhà. Cái nhà dù to đến mấy, giá trị nhiều tỷ nhưng không có sổ đỏ thì người mua cũng không yên tâm hoặc không dám mua với loại giấy tờ viết tay. Vì vậy, quan điểm về sống với nhau, không cần đăng ký để khi có vấn đề thì dễ bề chia tay, không phải là tình yêu hay mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình đích thực.

Ở mối quan hệ đó thể hiện sự thực dụng, không thể hiện đủ tình yêu thương hay trách nhiệm. Các cuộc “hôn nhân” này giống như chúng ta đi thuê nhà, chán chỗ này thì thuê chỗ khác, nghĩa vụ vợ chồng chỉ như cuộc “thuận mua, vừa bán”…

ThS Đinh Đoàn phân tích, giấy kết hôn rất quan trọng nhưng nó cũng chỉ là một tờ giấy, đừng nên ỷ vào nó mà không nỗ lực, cố gắng, vui vén, xây dựng hạnh phúc gia đình. Hôn nhân là kết quả của tình yêu, là đích đến cuối cùng của một mối quan hệ nam nữ. Nhưng hôn nhân không phải là kết thúc của tình yêu, hôn nhân chỉ là mốc son đầu tiên đánh dấu một chặng đường dài phía trước.

Khi chúng ta ký vào tờ đăng ký kết hôn, cũng giống như chúng ta ký vào một hợp đồng, trong đó có bên A và bên B phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng này rất lớn, bao gồm không chỉ luật hôn nhân và gia đình mà cả luật dân sự, kinh tế… và những thứ ngoài luật liên quan đến tình cảm, tình yêu và trách nhiệm.

“Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng kết hôn là bến đỗ yên tâm. Sau một thời gian miệt mài yêu đương đến khi cưới nhau lại rất thờ ơ, không vun đắp cho cuộc sống gia đình hoặc vì quá chủ quan nên dẫn đến tan vỡ. Nhưng cũng có không ít đôi lấy nhau không vì tình yêu nhưng lại sống cùng nhau tới “đầu bạc, răng long”. Tình yêu vợ chồng lớn hơn tình yêu đôi lứa rất nhiều. Đó là sự thấu hiểu, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái và yêu thương chăm sóc lẫn nhau… Những điều này chính là sợi dây gắn kết cho một cuộc hôn nhân bền chặt.

Vợ khôn giữ chồng cách nào?

Đàn bà khôn không ích kỷ, không hành xử quá đáng nhưng luôn đòi hỏi những quyền lợi nhất định cho mình trong hôn nhân.

* Sự tôn trọng: Điều này dần hình thành những ranh giới nhất định để vợ chồng thấy thoải mái, tự tin khi bên nhau. Khi giữ được sự tôn trọng lẫn nhau, cả hai sẽ cùng phát triển, hòa hợp và thấu hiểu nhau hơn.

* Sự bình đẳng: Phụ nữ độc lập về tài chính và có giao giao ước nhất định với chồng để tạo ra sự bình đẳng của cả hai bên sẽ giúp thiết lập một cuộc hôn nhân bền vững và đối phương sẽ luôn phải tìm cách giữ gìn, cần có nhau.

* Lòng tin và chung thủy: Vợ khôn sẽ luôn có những “bảo bối” riêng khiến chồng phải chung thủy và đặt niềm tin son sắt vào người đầu gối tay ấp. Theo đó, kể cả các đức ông chồng có tính trăng hoa, trước sự “mềm nắn, rắn buông” của người vợ, có muốn hưởng của lạ, cũng khó...

Thúy Nga

BẢN DESKTOP