Dữ liệu y khoa

Tận dụng cơ hội dân số vàng để phát triển

  • Tác giả : N.Hà
Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng song đồng thời lại phải đối mặt với quá trình già hóa dân số. Vì vậy giải quyết vấn đề này một cách tối ưu và hiệu quả là một trong những điểm nhấn mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặc biệt nhấn mạnh.

Cơ hội có một không hai

Kỷ nguyên thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 2007 với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 67,31% và năm 2019 gần 69% (so với năm 1979: 53%); trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2019 .

Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội "có một không hai" đối với các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia.

Tuy nhiên ở Việt Nam đang có lợi thế về "số lượng dân số vàng" nhưng chưa "vàng về chất lượng" nên chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức lớn nhất trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

gia-hoa-p.jpg
Tận dụng cơ hội dân số vàng để phát triển.

Tận dụng cơ hội dân số vàng để phát triển

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn được khá chậm chạp. Số liệu thống kê cho thấy từ 39% năm 2009 còn 36% vào năm 2018 và như vậy trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, trong suốt một thời gian dài nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ.

Chỉ số kinh tế tri thức KEI, nước ta xếp thứ 104/146 nước và lãnh thổ trong năm 2012, tăng 9 bậc so với 113/146 vào năm 2000 nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình kém. Đạt được mức này, chỉ do yếu tố công nghệ thông tin có tiến bộ nhanh, còn lại các yếu tố khác của kinh tế tri thức đều chưa có đóng góp đáng kể.

Về năng suất lao động, Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của khu vực: giai đoạn 2016-2020 tăng 5,79%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015: 4,27%/năm. Tuy nhiên, mức tăng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.

gia-hoa.jpg
Tận dụng cơ hội dân số vàng để phát triển

Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam tuy có rất nhiều thành tựu nhưng vẫn trong nhóm thu nhập trung bình thấp của thế giới, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.750 USD năm 2020.

Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" sẽ kết thúc sớm", mặc dù năm 2007 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng, nhưng đến năm 2011, nước ta đã bước vào già hóa dân số, và năm 2009 tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 8,7% nhưng đến năm 2019 đã chiếm 12%. Trong vòng 10 năm, dân số cả nước tăng thêm 10,362 triệu người, đồng thời, người cao tuổi tăng khoảng 4 triệu người.

Già hóa dân số là một trong những bằng chứng cho thấy thành tựu to lớn của công cuộc "Đổi mới" với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam những năm qua. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế.

Ở Việt Nam tuổi thọ của người dân ở nước ta liên tục được cải thiện năm 1999 là 68,6 tuổi đến năm 2019 lên 73,6 tuổi, đây là một trong những điểm nhấn thành công trong thực hiện chính sách dân số suốt 4 thập kỷ vừa qua.

"Bước nhảy vọt" của tiến trình già hóa dân số sang dân số già đang tạo ra những áp lực trong tương lai đối với mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nước ta và áp lực cho lưới an sinh xã hội.

Nắm bắt những lợi thế và thách thức của động thái dân số trong giai đoạn hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ đạo "chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số".

Già hoá nhanh dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống gây khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế, lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với chăm sóc cho người cao tuổi; tăng trưởng kinh tế chịu nhiều áp lực vì không thích ứng kịp bởi gánh nặng với các chương trình lưới an sinh xã hội phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi, thách thức cho vấn đề đảm bảo đời sống tinh thần, giải quyết mâu thuẫn, xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già.

Tiến trình già hóa dân số sang dân số già của nước ta đang được nhìn nhận vừa là thành tựu đồng thời là thách thức trong điều kiện Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, điều này sẽ là rào cản cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

N.Hà

BẢN DESKTOP