Môi trường

Tấm lợp amiang cũ cần được thu gom như chất thải nguy hại

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Tấm lợp chứa amiang trắng cần phải được coi là chất thải nguy hại để thu gom xử lý theo quy trình riêng. Nếu phát tán ra môi trường sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.

Đe dọa môi trường, sức khỏe

Ngày 31/8, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn - Vệ sinh lao động Việt Nam phối hợp với Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng tổ chức hội thảo xử lý các chất thải nguy hại trong đó có amiang. Phát biểu tại hội thảo, KS Nguyễn Văn Khuông, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Lao động Việt Nam cho biết, rác thải rắn lẫn rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại đang là một “vấn nạn” đáng báo động, một vài năm nữa sẽ tràn đầy rác nếu không có phương pháp xử lý tối ưu. Trong số rác thải nguy hại hiện nay thì vấn đề xử lý rác thải amiang rất cần kíp nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

“Thời điểm trước 2016, chúng ta nhập khoảng 60 - 75 nghìn tấn amiang/năm. Đến nay lúc cao điểm chúng ta nhập khoảng 10 nghìn tấn amiang/năm, chủ yếu để sản xuất tấm lợp. Trong vật liệu xây dựng thải, vật liệu amiang không chỉ có trong tấm lợp mà các tấm cách âm, cách nhiệt… Phần lớn các tấm lợp amiang xi măng có tỷ lệ 10 - 12% amiang. Đây thực sự là loại chất thải nguy hại nguy hiểm. Chúng ta đang có khoảng 10 triệu tấn amiang rác thải đã, đang và sẽ đe dọa đến môi trường”, KS Nguyễn Văn Khuông cho hay.

Độc hại của amiang đến nay không phải tranh cãi nữa, nhưng hiện chưa có chế tài nào để xử lý các tấm lợp amiang cũ nát, không còn sử dụng được nữa. Nhiều quốc gia trên thế giới coi vật liệu amiang trắng khi dỡ bỏ phải được đưa vào danh mục chất thải nguy hại. Ở Việt Nam chỉ quy định bụi và sợi amiang thải là chất thải nguy hại. Trong QCVN 07-2009 về ngưỡng chất thải nguy hại nêu cụ thể amiang với hàm lượng 10.000 ppm (1%) là ngưỡng chất thải nguy hại (trong khi hàm lượng amiang trong tấm lợp là 10 - 12%). Thế nhưng tấm lợp amiang lại không có trong danh sách chất thải nguy.

ThS Trương Thị Yến Nhi, Đại học Công đoàn cho biết, amiang là vật liệu nguy hại đối với sức khỏe con người. Việt Nam nằm trong top 7 nước sử dụng amiang nhiều nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu khoảng 60 nghìn tấn amiang để phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng. Số lượng rác thải từ các tấm lợp cũ hỏng, các vật liệu amiang khác… thải ra môi trường là rất lớn.

Cần quản lý như chất thải nguy hại

Theo ThS Trương Thị Yến Nhi, nếu không được thu gom xử lý, các tấm lợp amiang cũ bị thải ra môi trường sẽ rất độc hại bởi sợi amiang vẫn còn tồn tại trong tấm lợp. Chúng sẵn sàng xâm nhập vào không khí, đi vào đường thở của con người, gây ra các bệnh nguy hiểm không lường được. Do vậy, cần có biện pháp an toàn khi tháo dỡ amiang xây dựng: Trước khi tiến hành tổ chức tháo dỡ cần lên kế hoạch đánh giá rủi ro, đề xuất biện pháp an toàn. Thông báo đến cơ quan chức năng việc tháo dỡ về địa điểm, thời gian, số vật liệu có chứa amiang, các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh… hạn chế phơi nhiễm amiang đối với người lao động. Sau đó phải đánh giá rủi ro theo quy định của pháp luật.

Khi tháo dỡ tránh bị vỡ tấm lợp, phun ẩm bề mặt vật liệu và luôn giữ cho bề mặt của tấm lợp tháo dỡ luôn ẩm ướt. Các đinh cố định tấm lợp cần được cắt cẩn thận. Cần mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay khi tháo gỡ. Đặt các tấm lợp này và các túi nilon dẻo, tránh túi bị rách trong quá trình bảo quản, vận chuyển làm phát tán bụi amiang ra ngoài. Làm sạch bề mặt khu vực làm việc, sau đó rửa tay với xà phòng, tắm sạch và loại bỏ quần áo mặc khi làm việc.

Khi tháo dỡ cần có thiết bị hút bụi, hạn chế bụi phát sinh ra môi trường, hạn chế người lao động hít phải bụi. Có máy phun nước để tạo ẩm. Ngoài ra, có bồn rửa mắt di động để nếu amiang vào mắt thì phải rửa ngay. Bố trí khu vực nghỉ ngơi, thay quần áo, vệ sinh… khi bị gián đoạn công việc như thay quần áo, nghỉ ăn trưa. Khu vực tháo dỡ có nhiều bụi, nên cần bố trí nhà vệ sinh gần đó để rửa tay, rửa mặt, tắm sạch sẽ trước khi người lao động dời công trường. Nếu không thì cần bố trí máy thổi sạch bụi trên quần áo của người lao động. Tấm lợp chưa hư hỏng thì không phải tháo dỡ nhưng cần có biện pháp cảnh báo tránh làm phát tán amiang vào môi trường.

ThS Đỗ Thị Lan Chi, Đại học Công đoàn cho rằng, cần phải có kho lưu trữ riêng với tấm lợp amiang thải. Kho đó phải thiết kế sao cho nguy cơ cháy hay đổ tràn là thấp nhất và phải đảm bảo tách riêng các chất không tương thích. Nhà kho phải đảm bảo TCVN 431787, quan tâm vấn đề phòng chống cháy nổ như chịu lửa, ngăn cách cháy, thoát hiểm, hệ thống báo cháy, chữa cháy…

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP