Xe

Tầm giá 750 triệu đồng, chọn Mazda CX-5 hay Toyota Yaris Cross?

  • Tác giả : Hải Nam
Nếu đặt lên bàn cân trong tầm giá 750 triệu đồng, Mazda CX-5 rộng và có động cơ mạnh hơn, trong khi ưu thế của Toyota Yaris Cross là trang bị tiện nghi, an toàn, tiết kiệm xăng.

Toyota Việt Nam đã giới thiệu mẫu SUV cỡ B mới là Yaris Cross mới. Mẫu xe này có 2 phiên bản là máy xăng và hybrid với giá bán từ 730 đến 850 triệu đồng. Trong đó, bản máy xăng có giá 730 đến 742 triệu đồng, tùy theo màu sắc. Nói cách khác, mẫu SUV cỡ B này có giá gần như tương đương Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn 2.0L Deluxe (749 triệu đồng).

Vậy với giá khoảng 750 triệu đồng, Mazda CX-5 hay Toyota Yaris Cross bản tiêu chuẩn sẽ là lựa chọn tốt hơn?

Ngoại thất

Điều đầu tiên cần nói về Mazda CX-5 và Toyota Yaris Cross chính là sự khác biệt kích thước. Điều này quá rõ ràng vì Mazda CX-5 là SUV cỡ C, trong khi Toyota Yaris Cross thuộc phân khúc SUV cỡ B.

So với Mazda CX-5, tân binh nhà Toyota ngắn hơn 280 mm, hẹp hơn 75 mm, thấp hơn 65 mm, trong khi chiều dài cơ sở kém 80 mm. Tuy nhiên, Toyota Yaris Cross lại có gầm cao hơn 10 mm và bán kính vòng quay tối thiểu hẹp hơn 0,3 m. Với bán kính vòng quay hẹp, Toyota Yaris Cross sẽ vận hành linh hoạt hơn trong khu vực đô thị.

Trái ngược với kích thước, trang bị ngoại thất của Mazda CX-5 và Toyota Yaris Cross bản tiêu chuẩn có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều được trang bị đèn pha LED với tính năng tự động bật/tắt và cân bằng góc chiếu. Bên cạnh đó là đèn LED định vị ban ngày, đèn sương mù LED, đèn hậu LED, gương chiếu hậu gập điện/tích hợp đèn báo rẽ, ăng ten vây cá mập, baga mui và cốp đóng/mở chỉnh điện.

Tuy nhiên, nếu như Toyota Yaris Cross được trang bị cảm biến đá cốp thì Mazda CX-5 lại không có. Ngoài ra, Mazda CX-5 còn dùng vành 19 inch trong khi Toyota Yaris Cross chỉ dùng mâm 18 inch.

Nội thất

Với kích thước lớn hơn, Mazda CX-5 được trang bị nội thất rộng hơn so với Toyota Yaris Cross. Đây cũng là thế mạnh lớn của mẫu xe nhà Mazda so với tân binh của Toyota.

Cả Mazda CX-5 và Toyota Yaris Cross đều được trang bị nội thất 5 chỗ ngồi. Những trang bị giống nhau của 2 mẫu SUV này bao gồm vô lăng bọc da, tích hợp phím chức năng, ghế bọc da, kết nối điện thoại thông minh, điều hòa tự động, cửa gió dành cho hàng ghế sau, phanh tay điện tử, tự động giữ phanh tạm thời, hệ thống âm thanh 6 loa, chìa khóa thông minh và khởi động nút bấm.

Ngay từ bản tiêu chuẩn, Toyota Yaris Cross đã có bảng đồng hồ kỹ thuật số với màn hình TFT 7 inch, màn hình cảm ứng trung tâm 10,1 inch, tính năng điều khiển bằng giọng nói, 2 cổng USB Type C cho hàng ghế sau, sạc điện thoại không dây, đèn viền trang trí nội thất có thể thay đổi màu sắc/cường độ ánh sáng và lẫy chuyển số sau vô lăng.

Trong khi đó, Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn chỉ dùng bảng đồng hồ analog với màn hình đa thông tin và màn hình thông tin giải trí 8 inch. Đồng thời, bản tiêu chuẩn của mẫu xe này thiếu sạc điện thoại không dây, tính năng điều khiển bằng giọng nói, đèn viền trang trí nội thất và lẫy chuyển số sau vô lăng so với Toyota Yaris Cross.

Bù lại, Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn được trang bị ghế lái chỉnh điện 10 hướng, trong khi Toyota Yaris Cross dùng ghế lái chỉnh điện 8 hướng. Ngoài ra, Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn còn có gương chiếu hậu chống chói tự động và ghế sau gập 40:20:40 linh hoạt hơn.

Tuy có kích thước lớn hơn, Mazda CX-5 lại sở hữu thể tích khoang hành lý chỉ 442 lít khi dùng cả 2 hàng ghế. Con số tương ứng của Toyota Yaris Cross là 471 lít.

Nhìn chung, Toyota Yaris Cross bản tiêu chuẩn thua kém về không gian nội thất nhưng lại có một số lợi thế đối với trang bị tiện nghi và khả năng chở đồ.

Trang bị an toàn

Một trong những thế mạnh lớn nhất của Toyota Yaris Cross bản tiêu chuẩn chính là trang bị an toàn. Cả hai bản của mẫu SUV cỡ B này đều có những tính năng an toàn như 6 túi khí, phanh đĩa trước/sau, hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảnh báo áp suất lốp, camera 360 độ, cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước/sau, hệ thống cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo lệch làn đường/hỗ trợ giữ làn đường, kiểm soát vận hành chân ga, cảnh báo phương tiện phía trước khởi hành, đèn chiếu xa tự động và kiểm soát hành trình thích ứng.

Trong khi đó, Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn bị cắt bỏ hoàn toàn các tính năng an toàn chủ động ADAS. Bản này chỉ có 6 túi khí, hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, kiểm soát lực kéo, camera lùi, cảm biến trước/sau, hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control thông thường, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi.

Như vậy, nếu xét về trang bị an toàn, Toyota Yaris Cross máy xăng rõ ràng ghi điểm hơn so với Mazda CX-5 2.0L Deluxe.

Động cơ

Nằm bên dưới nắp ca-pô của Toyota Yaris Cross bản tiêu chuẩn là động cơ xăng 4 xi-lanh, dung tích 1.5L với công suất tối đa 105 mã lực và mô-men xoắn cực đại 138 Nm, kết hợp hộp số biến thiên vô cấp kép D-CVT. Động cơ này đi với hệ dẫn động cầu trước, tiêu thụ lượng xăng 7,41 lít/100 km trong đô thị, 5,1 lít/100 km ngoài đô thị và 5,95 lít/100 km kết hợp.

Trong khi đó, Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn dùng động cơ xăng SkyActiv-G 4 xi-lanh, dung tích 2.0L, tạo ra công suất tối đa 154 mã lực và mô-men xoắn cực đại 200 Nm. Động cơ đi kèm với hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Lượng xăng tiêu thụ của mẫu xe này là 9,2 lít/100 km trong đô thị, 5,95 lít/100 km ngoài đô thị và 7,13 lít/100 km kết hợp.

Có thể thấy động cơ của Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn mạnh hơn nhưng cũng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn. Điều này không có gì lạ vì Mazda CX-5 vốn có kích thước và trọng lượng lớn hơn. Trong giai đoạn giá xăng liên tục tăng cao như hiện nay thì Toyota Yaris Cross có thể là một lựa chọn hợp lý hơn cho những người muốn tiết kiệm chi phí vận hành.

Qua những so sánh cụ thể trên, có thể nói rằng, Yaris Cross sẽ phù hợp với những gia đình nhỏ, ưa thích thương hiệu Toyota, đồng thời muốn sở hữu nhiều tính năng tiện nghi, an toàn và động cơ tiết kiệm xăng. Trong khi đó, những người muốn mua xe có nội thất rộng rãi và động cơ mạnh hơn có thể chọn Mazda CX-5. Người mua nên cân nhắc nhu cầu thực sự của mình để đưa ra lựa chọn.

Hải Nam

BẢN DESKTOP