Quy tắc 2-5-4 cho đồ đựng thực phẩm
Việc tái sử dụng đồ nhựa đã qua sử dụng diễn ra ở khắp các hộ gia đình. Chai đựng nước tinh khiết, nước giải khát... sau khi dùng hết được rửa sạch để tiếp tục được dùng để đựng nước uống, đựng các loại nước ngâm hoa quả, mật ong… Các hộp nhựa đựng thực phẩm sau khi dùng xong cũng được dùng đựng thực phẩm, đựng đồ khô, muối dưa, cà... Việc tái sử dụng này diễn ra phổ biến nhưng sử dụng sao cho an toàn thì chưa nhiều người biết.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Nhóm Thúc đẩy Khoa học Công dân, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng cho biết, việc sử dụng lại đồ nhựa đã qua sử dụng cần dựa trên kiến thức khoa học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và môi trường. Ví dụ, có loại nhựa sau khi dùng xong vẫn có thể tái sử dụng để đựng thực phẩm, có loại nhựa không cho phép làm điều này, tương tự có loại nhựa có thể cho vào lò vi sóng, nhưng có loại không thể đựng đồ nóng... Nếu dùng sai, chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Sự an toàn nằm ở sự hiểu biết về nhựa của mỗi người.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hà Đan Quế cũng đến từ Nhóm Thúc đẩy Khoa học Công dân cho hay, nhựa được phân chia làm 7 loại, được đánh số thứ tự từ 1 - 7 (1-PET, 2-HPDE; 3-PVC; 4-LPDE; 5-PP; 6-PS; 7-nhựa khác). Mỗi loại nhựa sẽ có những đặc tính khác nhau, phù hợp để sử dụng vào các sản phẩm khác nhau.
Trong 7 loại nhựa được đánh số, đối với đựng thực phẩm thì các loại nhựa 2-HDPE (High Density Polyethylene), 5-PP (Polypropylene) và 4-LDPE (Low Density Polyethylene) là an toàn và có thể tái sử dụng được. Trong đó, xếp theo thứ tự ưu tiên, loại 2- HDPE là loại nhựa an toàn khi sử dụng nhiều lần; loại 5-PP có tính bền nhiệt cao nhất nên có thể dùng ở trong lò vi sóng; loại 4 là loại nhựa có tính trơ hóa học và độ bền cao nhưng không bền ở nhiệt độ cao, do đó, không nên dùng đựng thực phẩm trong lò vi sóng hoặc có nhiệt độ cao.
Trong khi đó, hãy nói không với 3-PVC (Polyvinyl Clorua), 6-PS (Polystyrene), 7- PC PC (PolyCarbonate) và 1 (Polyethylene terephthalate) nếu bạn có ý định tái sử dụng chúng vào mục đích đựng thực phẩm. Các loại nhựa này thường có đặc điểm như mềm, dẻo, cứng, giòn, nhẹ nên khi gặp nhiệt độ cao, môi trường axit, kiềm mạnh, nhựa sẽ giải phóng nhiều chất độc hại.
Đặc biệt, nhựa số 1- PET là loại nhựa thông dụng để chứa các sản phẩm giải khát như nước tinh khiết, nước có gas. Loại này được người dân tận dụng lại để chứa nước uống, thực phẩm rất nhiều. Tuy nhiên, loại nhựa này phù hợp để sản xuất sản phẩm dùng một lần vì bề mặt của chúng rất dễ bám vi khuẩn khó có thể làm sạch hoàn toàn để tiếp tục sử dụng. Vì vậy, các gia đình không nên tái sử dụng những chai nhựa PET để đựng thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Hà Đan Quế, khi quyết định tái sử dụng đồ nhựa, người dân hãy tìm hiểu về đặc tính của từng loại nhựa, xem thêm khuyến cáo của nhà sản xuất in trên bao bì để biết tận dụng lại chúng an toàn, nhất là khi chọn chúng vào mục đích đựng thực phẩm.
Tái sử dụng vào nhiều cấp độ
Theo các chuyên gia đối với các loại nhựa không thể tái sử dụng để đựng thực phẩm, chúng ta vẫn có thể sử dụng chúng ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, tại hộ gia đình, chai PET, hộp nhựa có thể dùng cho đựng bột giặt, nước rửa bát… hoặc khéo tay bạn có thể dùng chúng để làm ống cắm bút, lọ đựng hoa, lọ trồng cây thủy canh, giá treo. Các loại chậu nhựa sau khi bị cũ, vỡ, hỏng bạn có thể tận dụng chúng làm chậu trồng cây… Nghĩa là bạn hoàn toàn có thể tận dụng lại chúng, tạo ra giá trị sử dụng mới cho đồ nhựa.
Ở cấp độ vĩ mô, với lượng nhựa lớn đã qua sử dụng, hãy phân loại và làm sạch chúng. Đừng quên đồ nhựa sau khi được phân loại và làm sạch là đầu vào cho các nhà máy tái chế. Hiện nay, đã có một số sự kiện đổi rác tái chế lấy quà được Green Life, Lagom, hoặc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) tổ chức tại Hà Nội vào các cuối tuần. Bạn có thể mang rác thải nhựa, giấy và kim loại đến các sự kiện này để đổi lấy các phần quà hữu dụng. Hành động nhỏ của bạn sẽ giúp ích cho việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta và cũng là của chính bạn.
Nhìn dưới đáy chai/hộp nhựa sẽ thấy một con số được ghi trong hình tam giác. Đó là mã số nhận diện nhựa. Nó rất quan trọng bởi cho phép người dân phân biệt được các loại nhựa, đặc tính của từng loại. Khi quyết định tái sử dụng lại đồ nhựas đừng bỏ qua bước quan trọng này.
Bà Nguyễn Hà Đan Quế