Sống xanh

Tại sao sinh vật biển hay nuốt nhầm rác nhựa?

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Rác thải nhựa đang được coi là "tử thần" của các loài sinh vật biển vì thường bị nhầm là thức ăn. Vậy vì sao động vật biển lại hay nhầm rác nhựa với thức ăn?

Trên trang Economist, TS Joseph Pfaller - Đại học Florida (Mỹ) và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết túi ni lông trôi nổi trên đại dương cũng tựa như sứa biển, không chỉ giống về hình dạng mà còn mùi hương.

Ông lý giải, khi được đưa vào đại dương, theo thời gian rác thải nhựa sẽ có mùi như các loại thức ăn.

Quá trình này diễn ra khi các loại vi khuẩn, tảo tác động vào rác thải nhựa, chẳng bao lâu làm nhựa mất dần những mùi hóa chất vốn có, chuyển sang mùi tự nhiên hơn.

Đây được xem là "bẫy" khứu giác, làm các động vật đại dương, đặc biệt là rùa biển, dễ vô tình nuốt phải. Cá voi, chim biển… cũng là những loài thường xuyên ăn nhầm các mảnh vụn rác thải nhựa.

"Rác thải nhựa lại thu hút các sinh vật từ rất xa, không chỉ bởi hình dạng mà còn do mùi vị rất giống thức ăn trong tự nhiên", TS Pfaller nói.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên sau khi kiểm nghiệm trên 15 con rùa biển nuôi nhốt. Họ đã cho những con rùa này ngửi mùi thức ăn của chúng và mùi rác thải nhựa đại dương, đồng thời ghi lại phản ứng của chúng. Kết quả, chúng xem rác thải như thức ăn.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín Curent Biology. Phát hiện này phần nào giúp lý giải vì sao nhiều động vật dễ bị tổn thương thậm chí tử vong vì rác thải nhựa.

"Mọi ống hút nhựa, túi nhựa ngoài đại dương theo thời gian đều sẽ có mùi đặc biệt thu hút các loài động vật đến ăn. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều cái chết của rùa biển", theo TS Pfaller.

Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Exeter vào năm 2018 cũng chỉ ra rằng hơn 100 con rùa biển tham gia khảo sát đều chứa ít nhiều rác thải nhựa bên trong cơ thể. Nghiên cứu cũng dự đoán đến 99% chim biển sẽ ăn chất thải nhựa vào năm 2050.

Rác thải nhựa gây ra cái chết cho rất sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt và không thể tìm kiếm được thức ăn. Đối với những sinh vật biển khi vướng vào rác thải nhựa mà không thể thoát ra được, chúng sẽ yếu dần và chết.

Rác thải nhựa sẽ gây ra cái chết của nhiều loài sinh vật biển, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng hoặc làm phá hủy, suy giảm đa dạng sinh học. Ngoài ra, rác thải nhựa còn làm thay đổi cấu trúc, thành phần loài của hệ sinh thái do việc chuyên chở các sinh vật ngoại lai thông qua rác thải nhựa từ nơi khác đến.

Tuấn Huy (T/H)

BẢN DESKTOP