Video: Ôtô điện bất ngờ phát nổ tại trạm sạc ở Trung Quốc.
Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng xe điện (xe đạp điện, xe máy điện, ôtô điện...) đang dần tăng cao trên cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Xe điện sử dụng pin hoặc ắc quy (ắc quy chì Acid, ắc quy khô, pin axit chì, pin niken hiđrua kim loại, pin lithium ion, pin Nickel - cadmium), phổ biến là loại Pin lithium ion, Việc sạc điện cho ắc quy, pin theo nguyên lý: nguồn điện xoay chiều 220V được chuyển sang một chiều qua bộ đổi điện và sạc điện cho ắc quy, pin.
Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, cũng có vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy nổ xe điện. Trong thời gian qua, trên thế giới và tại Việt Nam đã xảy ra một số vụ cháy xe điện, gây thiệt hại về người và tài sản.
Chiếc xe điện Volkswagen ID.3 bùng cháy dữ dội và ảnh hưởng cả chiếc Nissan Leaf đỗ phía sau tại Groningen, Hà Lan vào tháng 8/2021. |
Pin xe điện thường sử dụng pin lithium-ion, là loại pin có khả năng cháy nổ cao. Pin lithium-ion có cấu tạo gồm các tế bào, mỗi tế bào chứa một số lượng lớn các điện cực lithium và carbon. Khi các điện cực này tiếp xúc với nhau, chúng sẽ phản ứng hóa học và tạo ra nhiệt. Nếu nhiệt độ tăng cao, pin có thể bắt lửa hoặc phát nổ.
Các đám cháy pin xe điện không cần oxy để duy trì. Nguyên lý của các bình chữa cháy thông thường là làm cách ly chất cháy với oxy để ngăn phản ứng cháy. Tuy nhiên, đám cháy pin xe điện là do các phản ứng hóa học bên trong pin, không cần oxy để duy trì.
Những vụ cháy pin xe điện thường rất khó dập tắt. Khi pin bắt lửa, nó sẽ tạo ra một lượng nhiệt rất lớn. Nhiệt độ này có thể khiến pin tiếp tục cháy hoặc phát nổ. Ngoài ra, đám cháy pin xe điện cũng có thể sản sinh ra các chất độc hại, gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.
Nếu dùng nước để dập tắt đám cháy do xe điện gây ra cần tới hơn 110.000 lít nước, gấp khoảng 20-25 lần so với xe xăng và mất nhiều thời gian. |
Theo đại diện Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy, đám cháy của pin xe điện không cần oxy mà là cháy xuất phát từ các phản ứng hóa học bên trong viên pin. Thậm chí, nếu dùng nước để chữa cháy thì nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro và có thể gây nổ. Nguy hiểm như vậy nhưng hiện tại, Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn an toàn cháy nổ dành riêng cho pin xe điện.
Hiện nay chỉ có một vài sản phẩm của nước ngoài như bình chữa cháy gốc nước dùng công nghệ bọc phân tử mới có thể làm giảm thật nhanh nhiệt độ để dập tắt. Tuy nhiên, loại bình này chưa phổ biến, giá thành cao gấp nhiều lần các loại bình thông dụng.
Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân nên hạn chế sạc pin xe điện qua đêm, nếu có cắm sạc thì phải ở vị trí có người trông coi. |
Để giảm thiểu nguy cơ cháy cháy xe điện, các nhà sản xuất hiện đang chuyển dần từ pin lithium-ion sang pin lithium sắt phốt phát (LFP). Một số hãng như Ford và Volkswagen cũng đang thay thế pin LFP nhờ đó giảm thiểu được sự phụ thuộc vào các kim loại quý hiếm như Coban, Niken để sản xuất ra xe điện.
Hiện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN ban hành các quy chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT là cơ quan quản lý, có những quy chuẩn kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an có trách nhiệm giáo dục khiến thức PCCC cho người dân, Cục CSGT hạn chế tai nạn khi phương tiện lưu thông trên đường.
Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân nên hạn chế sạc pin xe điện qua đêm, nếu có cắm sạc thì phải ở vị trí có người trông coi. Tránh dùng các loại pin, dây sạc kém chất lượng, hàng trôi nổi. Các chung cư cũng phải quy hoạch khu vực sạc xe điện ở nơi thường xuyên có người quan sát trông coi, chủ động rút sạc xe điện trước 22h.
Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất...