Dữ liệu y khoa

Tại sao người béo phì dễ mắc ung thư đại tràng?

  • Tác giả : Lê Nguyệt
Bệnh nhân nam, 61 tuổi, vào BV đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) được nội soi sinh thiết, chụp CT ổ bụng, phát hiện ung thư đại tràng phải cT3N0M0 (giai đoạn sớm), kèm polyp đại tràng Sigma, phải nhập viện điều trị.

Tại Việt Nam, ung thư đại tràng là bệnh lý ác tính phổ biến. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ và gia tăng theo tuổi. Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại tràng liên quan đến lối sống, chế độ ăn, cơ địa, môi trường và yếu tố gia đình.

Theo các chuyên gia, giữ trọng lượng cân đối và thường xuyên tập thể dục không những giúp bạn giữ được thân hình căng tràn sức sống mà còn góp phần tránh xa “án tử” ung thư đại tràng.

Thực vậy, các nhà khoa học đến từ Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra mối liên hệ giữa béo phì và căn bệnh nguy hiểm trên. Kết luận này cũng được công bố trên tạp chí Cell Metabolism cách đây không lâu.

Người béo phì đối diện với nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn so với người khỏe mạnh.

Trước đây, nhiều giả thuyết được đặt ra về sự “bắt tay” của béo phì với các dạng ung thư. Trong đó, béo phì ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với ung thư đại tràng. Để tìm câu trả lời chính xác, Paul Wade, Thomas Eling và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên chuột.

Cụ thể, họ chia chuột trong phòng thí nghiệm thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất trong cơ thể có chứa phiên bản gen NAG – 1 (một gen từng được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa ung thư đại tràng đối với các loại động vật gặm nhấm), nhóm còn lại không sở hữu cấu trúc gen này. Các nhà khoa học chăm sóc chúng bằng chế độ ăn chứa 60% lượng calo từ mỡ lợn mỗi ngày.

Kết quả, nhóm chuột chứa NAG – 1 không hề có dấu hiệu tăng cân dù đã được “vỗ béo” trong khi nhóm còn lại ngày càng ục ịch. Điều này chỉ ra có sự khác biệt rõ ràng giữa hai nhóm trên.

Phân tích cũng cho thấy, những con chuột béo phì xuất hiện các tín hiệu cảnh báo khả năng dễ dàng mắc ung thư đại tràng. Những con chuột chứa NAG – 1 cũng có những dấu hiệu này nhưng không rõ ràng và chỉ số dao động không giống nhau.

Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học tìm ra vấn đề từ các đầu mối phân tử, bằng cách tách riêng các tế bào khỏi đại tràng chuột và phân tích chúng trong nhóm protein được gọi là histone. Histone và cấu trúc DNA trong nhân tế bào sẽ trải qua quá trình được gọi là acetyl hóa. Paul Wade giải thích rằng các mô hình acetyl hóa ở nhóm chuột béo và những con có thân hình cân đối là hoàn toàn khác nhau. Và những con chuột bị béo phì thường có khả năng mắc ung thư đại tràng cao hơn nhóm còn lại.

Bên cạnh đó, những tổn thương trong đại tràng ở nhóm chuột béo phì có khả năng phát triển nhanh chóng thành khối u ác tính. Quá trình này có thể diễn ra tương tự như ở người.

Wade và Eling cho rằng rất có thể sự xuất hiện của nhiều tế bào mỡ góp phần kích thích sự tăng trưởng của các khối u trong đại tràng. Vì vậy, việc duy trì chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên tập thể dục giúp đốt cháy các mô mỡ sẽ là giải pháp hiệu quả giúp cơ thể người ngăn ngừa ung thư đại tràng.

Lê Nguyệt

BẢN DESKTOP