Y học và đời sống

Tại sao bé ăn nhiều vẫn gầy?

Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi thường biếng ăn nên hay bị mẹ ép ăn nhiều để nhanh tăng cân. Điều này tạo tâm lý sợ hãi, chán ăn càng thêm trầm trọng.

Tại sao con ăn nhiều mà không lớn? Đó là câu hỏi nhiều cha mẹ đang thắc mắc khi con ăn đủ chất mà không hề tăng cân. Dấu hiệu này thường gặp ở những trẻ kém hấp thu dinh dưỡng.

Hội chứng kém hấp thu (ăn không hấp thu) gồm rất nhiều các biểu hiện thể hiện tình trạng tiêu hóa kém ở trẻ. Trẻ thường có các biểu hiện như tiêu chảy, phân có hạt mỡ, chậm tăng cân, thiếu vitamin và các nguyên tố vi lượng dù được bổ sung đầy đủ trong chế độ ăn, dinh dưỡng hàng ngày.

Hội chứng này được hiểu là những tổn thương ở giai đoạn hấp thu qua niêm mạc ruột của các chất dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Kém hấp thu các chất dinh dưỡng là hậu quả của quá trình rối loạn tiêu hóa ở ruột non và vận chuyển các chất dinh dưỡng từ ruột vào máu qua các tế bào ở niêm mạc ruột.

Nguyên nhân khiến trẻ ăn không hấp thu

Ruột non có hệ thống nhung mao, vi nhung mao với vai trò tăng hấp thụ dinh dưỡng. Trên các nhung mao chứa nhiều tế bào hấp thu và bài tiết enzyme tiêu hóa đạm, chất béo và tinh bột. Khi nhung mao bị teo, nó sẽ giảm chức năng tiêu hóa và hấp thụ của ruột.

Hội chứng kém hấp thu có thể gây ra nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ảnh: Dircha

Các nguyên nhân gây teo nhung mao ruột non được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 do bé mắc phải bệnh lý nội khoa: bệnh đái tháo đường trẻ em, cơ địa dị ứng với đạm thực vật (đạm lúa mì, đạm từ đậu nành,…), bệnh tuyến tụy (viêm tụy, xơ nang tụy), gan (tăng men gan, viên gan), hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh suy giảm miễm dịch.

Với nhóm nguyên nhân thứ 2, cha mẹ có thể kiểm soát và can thiệp đến 85%, gây nên tình trạng ăn không hấp thu.

– Bé nhiễm độc: Ăn thực phẩm, nguồn nước nhiễm độc và các loại gia vị nêm cho bé khi ăn không sạch.

– Thiếu sắt, acid folic: Do chế độ và thói quen chế biến bữa ăn không phù hợp.

– Bé dùng thuốc Corticoid: Hiện nay, nhiều đơn thuốc điều trị viêm hô hấp đều có mặt của corticoid dưới vai trò chống viêm và chống dị ứng. Hậu quả là trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn hấp thu.

– Ăn dặm không đúng thời điểm: Ăn dặm quá sớm, thức ăn cọ xát với niêm mạc ruột chưa hoàn thiện của bé gây tổn thương nhung mao. Mặt khác, ăn dặm sớm hệ tiêu hóa của bé chưa tiết đủ enzym tiêu hóa các chất sẽ dẫn đến thiểu năng sớm hệ tiêu hóa, teo nhung mao và để lại hậu quả lâu dài. Theo các chuyên gia, thời điểm ăn dặm thích hợp là 5,5-6 tháng tuổi, sử dụng thức ăn lỏng rồi đặc dần.

– Trẻ bị suy giảm miễn dịch, hay viêm mũi họng,… khi dùng thuốc điều trị sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cũng là nguyên nhân gây teo nhung mao.

– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, sống phân, táo bón,…

Làm gì khi trẻ ăn không hấp thu?

Khi bé có dấu hiệu ăn không tăng cân, các bà mẹ thường mua rất nhiều sản phẩm bổ dưỡng để cho bé ăn. Tuy nhiên,việc này chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa của bé, các nhung mao đường ruột bị teo sẽ khó hồi phục.

“Nhồi nhét” các thực phẩm bổ dưỡng cho bé ăn chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Woman.excite

Cha mẹ cần lưu ý nguyên tắc xử trí như sau:

Nếu bé bị teo nhung mao đường ruột do các nguyên nhân bệnh lý chuyển hóa như: đái tháo đường trẻ em, bệnh gan, tụy, thiểu năng khả năng tiết enzyme tiêu hóa, bệnh Celiac,…cần được điều trị tích cực nội trú hoặc ngoại trú.

Các trường hợp còn lại, bạn cần hiểu nguyên lý của bệnh ăn không hấp thu. Con biếng ăn, mẹ căng thẳng, tạo ra vòng luẩn quẩn khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ không được cải thiện. Vì vậy, các bạn phải giải quyết gốc vấn đề là năng lượng và vitamin để có “nguyên liệu” làm lành tổn thương ở ruột.

– Bước 1: Chuẩn bị tâm lý, kiên trì áp dụng 2-3 tháng, tìm hiểu và chắt lọc thông tin.

– Bước 2: Nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa bằng cách bổ sung men vi sinh tốt, vitamin tổng hợp, kẽm, magie,… để bé nhanh chóng liền tổn thương ruột. Chu kỳ thay tế bào niêm mạc ruột là 4 ngày với điều kiện đủ năng lượng và vi chất. Mặt khác, cách này cũng giúp nâng cao miễn dịch nội sinh, tránh ốm vặt tái đi tái lại.

– Bước 3: Trẻ em cần 110 kcal/ kg cân nặng/ ngày. Tỷ lệ chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng là: 50% từ tinh bột – 30% từ chất béo – 20% chất đạm.

– Bước 4: Cha mẹ nên chế biến bữa ăn phù hợp với từng bé (ăn đặc hay lỏng cũng cần điều chỉnh cho phù hợp), ăn theo nhu cầu, tạo không khí thoải mái, vui vẻ khi ăn. Ngoài ra, mẹ có thể giới thiệu các loại sữa khác như sữa tươi cho trẻ trên 1 tuổi.

Theo Dược sĩ cao cấp Trương Minh Đạt (Zing.vn)

BẢN DESKTOP