Khám phá

Tai nghe thông minh không thay thế con người

Sản phẩm tai nghe tự chuyển ngữ 40 ngôn ngữ khác nhau đang “làm mưa làm gió” thị trường công nghệ thế giới. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, có nên cho con học ngoại ngữ trong khi công nghệ có thể thay thế con người? Theo các chuyên gia, việc học ngoại ngữ không đơn giản chỉ là biết thêm ngôn ngữ, mà còn là vấn đề tư duy.

Tai nghe dịch tự động

Ngày 4/10, hãng Google công bố phát triển thành công một thiết bị có thể chuyển ngữ 40 ngôn ngữ cho người nghe, trong đó có cả tiếng Việt. Đó là tai nghe Google Pixel Buds. Theo Google, chiếc tai nghe này là một “thông dịch viên công nghệ” đắc lực, giúp những người dùng có thể trò chuyện với nhau, dù họ chẳng hiểu gì về ngôn ngữ của nhau. Pixel Buds gồm hai núm tai nghe nhỏ kết nối với nhau qua một sợi dây.

Hệ thống điều khiển được tích hợp vào tai nghe bên phải. Chúng kết nối với mọi điện thoại thông minh qua kết nối không dây Bluetooth. Theo Google, việc chuyển ngữ được thực hiện hoàn toàn theo thời gian thực. Tức bạn vừa nói xong thì tai nghe và điện thoại cũng xử lý xong thông tin và phát ra ngôn ngữ bạn muốn.

Học ngoại ngữ không đơn giản chỉ là để nói thành thạo ngôn ngữ đó mà kiến thức lịch sử, văn hóa, cách tư duy của dân tộc ấy nữa, GS Lê Đình Lương.

Khi đọc thông tin này, một số bạn đọc chia sẻ với KH&ĐS rằng hiện việc đầu tư cho con cái học ngoại ngữ chiếm khoảng thời gian và chi phí khá lớn. Nếu trong tương lai, luôn có sẵn các thiết bị tự động dịch như vậy thì có cần phải đầu tư cho con học ngoại ngữ nữa hay không?

Đem thắc mắc này trao đổi với GS Lê Đình Lương, chuyên gia nghiên cứu về gen, Hội Di truyền học Việt Nam thì ông cho rằng, việc học ngoại ngữ không đơn giản là biết ngôn ngữ giao tiếp. Học ngoại ngữ là học về văn hóa của nước đó, học về cách tư duy bằng ngôn ngữ khác. Thế nên mới có câu “biết bao nhiêu ngôn ngữ là sống bấy nhiêu cuộc đời”. Học ngoại ngữ là học cách tư duy và văn hóa.

“Sau này có thể máy móc sẽ thay thế hoàn toàn con người thì việc học ngoại ngữ vẫn rất cần thiết để mở rộng hiểu biết, vốn sống và tư duy diễn đạt. Máy móc không bao giờ thay thế được con người, đặc biệt là lĩnh vực tư duy, kể cả khi máy móc có thể thông minh hơn con người”, GS Lê Đình Lương nhấn mạnh.

Chỉ phù hợp nghe cấp tốc

GS Lê Đình Lương cho biết, hiện cũng có những phần mềm dịch tự động, nhưng sai số rất lớn. Máy móc chỉ biết làm theo quy tắc được định sẵn, trong khi ngôn ngữ thì biến hóa khôn lường. Việc diễn đạt ngôn ngữ cũng tùy vào khả năng nhận thức, biểu đạt của từng người mà không giống nhau. Tất nhiên, sản phẩm tai nghe này là một bước tiến lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thay thế con người.

Tai nghe không nên và sẽ không thể nào thay thế hoàn toàn được việc bạn sẽ phải học ngôn ngữ khác. Học ngoại ngữ là quá trình học về văn hóa, con người của một đất nước khác. Chỉ khi học đầy đủ, bạn mới có thể hiểu được thông điệp người đối diện muốn gửi cho bạn. Với các bạn trẻ bây giờ, mỗi người hãy học ít nhất 1 ngoại ngữ để có thêm tri thức cho bản thân mình.

Cho rằng việc học ngoại ngữ là quá trình học lâu dài, giống như khám phá một nền văn hóa, phải dần dần mới “ngấm”, mới hiểu, mới định hình rõ nét văn hóa của ngôn ngữ ấy, thầy giáo Nguyễn Trung Kiên, giáo viên ngoại ngữ, trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc cho rằng, tai nghe dịch thực tế ảo này là công nghệ nhảy vọt nhưng nó chỉ phù hợp với tính năng nghe cấp tốc trong các hội thảo hay cần dịch trong văn cảnh nào đó.

Tai nghe chỉ là công cụ đơn giản, không thể biến thành kiến thức, kỹ năng cho bản thân người học. Việc cha mẹ tạo điều kiện cho con học ngoại ngữ là việc làm cần thiết để chuẩn bị hành trang cho con vào đời.

GS Lê Đình Lương chia sẻ, trước đây ông có 10 năm sống ở Hà Lan, ông thấy nhà trường nào cũng dạy đến 6 ngoại ngữ. Ông hỏi một người dân là vì sao lại học nhiều ngoại ngữ thế thì câu trả lời ông nhận được là “vì Hà Lan là một nước nghèo”. Nói như thế để thấy học ngoại ngữ chưa bao giờ là thừa, nhất là cho những người trẻ đang trang bị kiến thức để lập thân, lập nghiệp.

Bảo Khánh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP