Hỏi: Tôi nghe nói từ ngày 20/10, có thể dùng tài khoản định danh điện tử thay căn cước công dân nhưng không rõ có thể dùng được trong các giao dịch nào?
Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội)
Tài khoảng định danh điện tử có thay thế được căn cước công dân? |
Trả lời: Theo Văn bản số 3307/UBND-KSTTHC của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
Theo đó, từ ngày 20/10/2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.
Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Về quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử, công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip có thể đăng ký với cán bộ. Thông tin đăng ký gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email).
Trong trường hợp có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội... thì mang các loại giấy tờ gốc đối chiếu.
Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ.
Trong đó, mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Ở mức 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng...
Đối với mức 2, tài khoản này có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Với tài khoản này, người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, chuyển tiền...).
LS.ThS Trần Kim Thọ (Giám đốc Công ty Luật Phụng sự công lý)