Ngân hàng

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, loay hoay 10 năm chưa xong

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Đã gần 10 năm, sau Đề án 254 (giai đoạn 2011 - 2015) và Đề án 1058 (giai đoạn 2016 - 2020), hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu. Việc triển khai các mục tiêu đề ra còn nhiều chậm trễ.

Vẫn còn những thách thức

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố kết quả sau gần 5 năm thực hiện Đề án 1058.

Theo đó, đến tháng 3/2020, vốn điều lệ của 04 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống, tổng tài sản đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống, tăng 37,01% so với cuối năm 2016.

Vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đạt 286,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% toàn hệ thống, tăng 42,51% so với cuối năm 2016; tổng tài sản đạt 5.252,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% toàn hệ thống, tăng 53,15% so với cuối năm 2016.

Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng, đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản đạt 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016. Vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 937,9 nghìn tỷ đồng, tăng 57,67% so với cuối năm 2016.

Có thể nói, những nỗ lực của ngành ngân hàng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn hoạt động, tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1 (Đề án 254) và bối cảnh hiện tại, vẫn còn một số thách thức lớn để hoàn thiện Đề án 1058 trong năm nay.

Xử lý nợ xấu là trọng tâm của Đề án 1058. Theo cập nhật gần nhất của NHNN, đến cuối tháng 3/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 3/2020 ở mức 4,46%, giảm so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Nhưng cần nói thêm, tỷ lệ nợ xấu 4,46% chỉ là bề nổi bởi tình trạng che giấu nợ xấu vẫn còn tại nhiều tổ chức tín dụng. Cũng theo một nguồn đáng tin cậy, cho đến nay vẫn còn 3 - 4 tổ chức tín dụng chưa trình được phương án cơ cấu lại gửi NHNN.

Việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II chưa hoàn thành, vẫn cần phải tiếp tục tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, vẫn còn 2 NHTMNN và 14 NHTMCP chưa áp dụng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.

Theo đó, 14 tổ chức tín dụng trên đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Nói cách khác, đến thời điểm này, mặc dù thế giới đã ban hành Basel IV và sẽ đưa vào áp dụng từ năm 2022, nhưng Việt Nam thì vẫn đang cố gắng "xoay xở" với Basel II.

Chưa biết khi nào xong tái cơ cấu

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng hiệu quả và bền vững, đầu tiên là phải xử lý được nợ xấu, vì đây là vấn đề trọng tâm của đề án. Thứ hai, các tổ chức tín dụng phải có đủ vốn chủ sở hữu, thực hiện đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo Thông tư 41.

Thứ ba, cần có sự thay đổi tư duy quản trị ngân hàng hiện đại, đảm bảo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng Việt Nam phải giải quyết được bài toán “xây dựng cơ sở hạ tầng số” cả về mặt kỹ thuật và pháp lý cũng như tổ chức thực hiện, chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số cho phù hợp với xu thế phát triển.

Bao trùm và áp lực nhất là mục tiêu đến 2020 toàn hệ thống phải đưa được nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Tỷ lệ này từng được đề cập trong năm 2019 vào khoảng 4,8-5%.

Với nhiệm vụ được giao, đến hết năm 2020, VAMC phải mua tối thiểu 330.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo đó, VAMC được tăng vốn điều lệ cho đủ 10.000 tỷ đồng trong năm nay. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin tăng vốn nào được công bố.

Ngoài ra, công cuộc tái cơ cấu ngân hàng ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần phải có hoạt động kinh doanh và quản trị lành mạnh, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp, từ đó cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuẩn mực, phù hợp với thông lệ quốc tế. Với từng ngân hàng, cần chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp lại nhân sự kể cả người đứng đầu, nhân sự trung gian và nhân sự tác nghiệp.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ ngân hàng cũng là điều tối quan trọng. Cần phải chấm dứt triệt để tình trạng nhân viên ngân hàng thông đồng với khách hàng, đặt quyền lợi của khách hàng lên trên quyền lợi của ngân hàng, gây thiệt hại cho ngân hàng.

“Hiện nay, vẫn còn rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam quản trị theo cách gia đình và các nhà lãnh đạo, các chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng vẫn nắm hết quyền sinh tử tuyệt đối của ngân hàng đó. Đây hoàn toàn là điều sai lệch. Cần phải tách biệt chức năng quản trị của HĐQT với chức năng điều hành của Ban điều hành. HĐQT chỉ định hướng, xây dựng chiến lược, chứ không tham gia trực tiếp điều hành. Họ nên đứng sang một bên để giám sát việc thực hiện của Ban điều hành ngân hàng nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch và tính trách nhiệm trong hoạt động của ngân hàng” - ông Hiếu nói.

Chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc năm 2020, năm cuối cùng thực hiện đề án 1058, nhưng những mục tiêu của Đề án 1058 vẫn còn tồn đọng và dang dở, tiến trình thực hiện còn chậm trễ. Câu hỏi đặt ra là liệu sau năm 2020, sẽ tiếp tục có Đề án mới nào cho việc cơ cấu lại ngân hàng trong các giai đoạn tiếp theo?

Tuấn Thủy

BẢN DESKTOP