Vừa qua, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã tiếp nhận sản phụ P.T.H. (37 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng có thai lần 2, thai 38 tuần, vỡ ối tự nhiên ở nhà và thấy có dây rốn sa ra ngoài âm đạo, kèm theo sản phụ thấy đau bụng từng cơn liên tục. Không gọi được taxi nên chồng bệnh nhân đành dùng xe máy đưa vợ đến khoa cấp cứu.
Lời bàn: BS Nguyễn Văn Thái, Khoa Phụ sản, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng dây rốn của thai nhi bị sa xuống dưới âm đạo dẫn đến suy thai cấp. Trong vòng có hơn 5 phút, các bác sĩ đã mổ lấy ra bé gái nặng 2,3kg. Em bé lúc lấy ra khỏi bụng mẹ có da trắng nhợt, không có nhịp thở, tim đập rời rạc, phản xạ, trương lực cơ kém (APGAR 1 phút: 5 điểm). Kíp bác sĩ đã hồi sức sơ sinh tích cực cho cháu bé, sau 5 phút tình trạng có cải thiện, da cháu bé hồng lên, khóc yếu, trương lực cơ trung bình, có phản xạ. Sau 10 phút hồi sức, sơ sinh về trạng thái bình thường, hồng hào, khóc to, trương lực cơ và phản xạ tốt, có nhịp tự thở , nhịp tim 140 – 160 chu kỳ/phút.
Sa dây rốn là một trong những tai biến sản khoa gây hậu quả là suy thai cấp, nếu không phát hiện sớm và mổ cấp cứu kịp thời có thể mất tim thai. Vì thế, khi phát hiện sản phụ bị sa dây rốn, còn cơ hội thì biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất.
Bác sĩ khuyến cáo, với những sản phụ khi theo dõi thai định kỳ, được bác sĩ tư vấn nằm trong những trường hợp thai kỳ nguy cơ cao như đa ối, thai to, ngôi không thuận… thì nguy cơ sa dây rốn rất cao khi có ối vỡ sớm, nên cần được theo dõi kỹ lưỡng, tránh để nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé. Các sản phụ ở những tuần cuối của thai kỳ nên thường xuyên thăm khám theo lịch hẹn nhằm phát hiện sớm các trường hợp bất thường của thai nhi để được điều trị kịp thời.